Vườn cao su xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), không khí tươi vui, rộn rã. Các công nhân, người lao động ở địa phương đang hăng say cạo mủ, nỗ lực khai thác dòng “vàng trắng”. Ông Trần Nam Long, Giám đốc Nông trường Cao su Chăn nưa, Công ty CP Cao su Lai Châu II cho biết, thường vào tháng 12 hàng năm, cây cao su bắt đầu rụng lá và việc thu hoạch mủ cũng sẽ tạm dừng để bước vào đợt chăm sóc mới. Tuy nhiên, mùa xuân năm nay đặc biệt hơn mọi năm là việc khai thác hiện vẫn đang được tiến hành. Gần 300 công nhân, người lao động của nông trường đang rải khắp diện tích hơn 1.200 ha cao su với quyết tâm đảm bảo chu trình cạo mủ trước tết nguyên đán. Điều này đồng nghĩa với việc công nhân, người lao động sẽ có thêm thu nhập để có một cái tết đủ đầy hơn. “Vườn cây đưa vào khai thác từ năm 2018, đến nay, công ăn việc làm của bà con đã ổn định. Công nhân, người lao động của đơn vị chủ yếu là đồng bào người địa phương ở đây, thu nhập bình quân của bà con được nâng lên đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, cũng như tinh thần cho bà con tại địa phương”, ông Trần Nam Long chia sẻ.
Công nhân Nông trường cao su Chăn Nưa
tập trung khai thác mủ trước Tết
Những ngày giáp tết nguyên đán, vợ chồng chị Lường Thị Tuyền, công nhân Nông trường Cao su Chăn Nưa mỗi ngày vẫn rời nhà từ sáng sớm để hoàn thành công việc khai thác, thu hoạch mủ trên những lô cao su được giao. Chị Tuyền chia sẻ, thu nhập ổn định từ lương công nhân, với mức 6 – 8 triệu đồng/người/tháng đã giúp vợ chồng chị có điều kiện nuôi con ăn học, mua sắm đầy đủ các thiết bị nghe nhìn, xe máy… Ngoài thu nhập ổn định từ lương, vợ chồng chị còn được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, trang cấp bảo hộ lao động. Vào ngày lễ, ngày tết, gia đình cũng được lãnh đạo, công đoàn công ty quan tâm, thăm hỏi tặng quà. “Tôi làm công nhân cao su từ năm 2011, rất là vui khi có thu nhập rất tốt và ổn định. Công ty thường xuyên quan tâm tới đời sống của người lao động, nên chúng tôi rất cảm ơn. Tết năm nay gia đình tôi cũng đã chuẩn bị được con lợn để mổ, gà vịt cũng có đủ rồi”, chị Tuyền phấn khởi.
Với gia đình anh Lành Văn Vũ ở bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa, niềm vui còn nhân đôi khi năm nay được đón tết vui xuân trong ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng. Ngoài thu nhập ổn định từ làm công nhân cao su, vợ chồng anh còn tích cực tăng gia sản xuất, nên đã tích cóp được tiền để làm nhà. “Tôi đi cạo mủ cao su mỗi tháng cũng được 7 triệu đồng. Tôi tích cóp để làm nhà và cũng mua được ti vi để xem. Gia đình tôi cũng đang nuôi lợn chuẩn bị để mổ ăn tết. Cám ơn công ty cao su đã tuyển tôi vào làm công nhân để có đồng lương ổn định phục vụ cho cuộc sống gia đình”, anh Lành Văn Vũ nói.
Với hơn 12.000 ha cao su đưa vào khai thác, các công ty cao su ở Lai Châu đã tuyển hơn 2.500 người vào làm công nhân, phần lớn số này là người dân địa phương. Có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống của công nhân, người lao động và các hộ góp đất trồng cao su đang dần trở nên khấm khá hơn. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu II cho biết, hiện nay, công ty đã đưa vào khai thác gần 3.800/4.720 ha cao su ở các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Năm 2023, công ty thu hoạch đạt gần 3.700 tấn mủ khô. Tết này, từ các nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, đơn vị đã thưởng mỗi công nhân, người lao động trực tiếp từ 300.000 – 600.000 đồng. Bên cạnh đó, công đoàn và đoàn thanh niên Tập đoàn cũng hỗ trợ hơn 70 suất quà, với tổng trị giá gần 50 triệu đồng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
“Tết nguyên đán này ngoài chi đủ tiền lương theo quy định, công ty cũng đã phân phối lại quỹ tiền lương hơn 800 triệu đồng cho người lao động để họ yên tâm đón tết. Công đoàn công ty cũng hỗ trợ gần 1.000 suất quà, với trị giá hơn 200 triệu đồng; đồng thời hỗ trợ tiền xe về tết cho cán bộ, công nhân viên, người lao động 2 chuyến xe trị giá 60 triệu đồng. Nhằm lo cho người lao động có một cái tết đầm ấm, vui tươi để bước vào khí thế sản xuất, kinh doanh năm 2024 cố gắng vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao”, ông Nguyễn Hữu Phước cho biết.
Cây cao su đang mang đến diện mạo mới cho các bản làng ở vùng cao Lai Châu. Từ các cánh rừng cao su bạt ngàn, bà con đã làm chủ được kinh tế gia đình nhờ cần cù, chịu khó trong chăm sóc và cạo mủ. Xuân mới đến mang theo niềm tin, ước vọng về một năm lao động sản xuất nhiều thắng lợi.
Khắc Kiên, nguồn: https://vov.vn/kinh-te/xuan-no-am-tren-vung-dat-cao-su-post1075194.vov, ngày 03/02/2024 (HG trích dẫn)