Tin tức >> Tin cao su trong nước

Do đâu cổ phiếu cao su khởi sắc?

05/04/2016

 Trong những phiên giao dịch từ đầu tháng 3/2016 đến nay, nhóm cổ phiếu (CP) cao su có mức tăng khá mạnh. Đâu là “lực đẩy” giúp CP cao su khởi sắc?


 Liên tục tăng

Kết thúc năm 2015, giá cao su sụt giảm đã ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp trong ngành. Với kết quả kinh doanh kém tích cực cùng triển vọng ngành chưa có gì sáng sủa, không quá bất ngờ khi CP cao su thiên nhiên không nằm trong “danh sách theo dõi” của nhiều nhà đầu tư.
Tuy vậy, quan điểm này đã thay đổi kể từ đầu tháng 3/2016 khi nhóm CP “vàng trắng” này đã có những diễn biến hết sức bất ngờ theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 10/3, TRC (Cao su Tây Ninh) tăng 33%; PHR (Cao su Phước Hòa) tăng 25%; VHG (Đầu tư Cao su Quảng Nam) tăng 16,3%; TNC (Cao su Thống Nhất) tăng 13,6%; DPR (Cao su Đồng Phú) tăng 3,6% so với thời điểm cuối tháng 02/2016.
Nhờ đâu?
Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, CP cao su tăng mạnh trong thời gian gần đây được bắt nguồn từ sự phục hồi của giá cao su thế giới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3/2016, hợp đồng giao dịch cao su tương lai trên sàn TOCOM (Nhật Bản) đạt 173 Yên/kg, tăng 18% so với mức đáy được thiết lập hồi đầu năm 2016. Đến ngày 18/3/2016, giá cao su giao tháng 8/2016 tại sàn TOCOM tăng thêm 8,5 Yên lên 181,5 Yên (tương đương 1,63 USD)/kg.
Sở dĩ giá cao su tăng khá là nhờ “hậu thuẫn” bởi giá dầu thô tăng. Từ chỗ dưới mức 30 USD/thùng trong tháng 02/2016, từ đầu tháng 3/2016 đến nay, giá dầu đã tăng đáng kể. Giá dầu đạt mức cao nhất trong năm 2016 vào ngày 18/3, với giá dầu thô Hoa Kỳ tăng 5% lên 40,6 USD/thùng do lạc quan về các nhà sản xuất lớn sẽ tiến hành thỏa thuận đóng băng sản lượng vào tháng 4/2016 trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô và nhu cầu xăng tại Hoa Kỳ gia tăng.
Yếu tố thứ 3 tác động làm giá cao su tăng là thông tin 3 nước sản xuất cao su lớn gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia mới đây đã quyết định cắt giảm xuất khẩu 615.000 tấn cao su trong giai đoạn 6 tháng bắt đầu từ ngày 01/3/2016. Năm 2015, chỉ riêng 3 nước này đã sản xuất hơn 8 triệu tấn cao su thiên nhiên, chiếm 66,5% thị phần toàn cầu. Ngoài việc cắt giảm xuất khẩu, Thái Lan cũng nhất trí mua cao su của nông dân với giá cao hơn giá của thị trường. Không chỉ vậy, Thái Lan, Indonesia và Malaysia còn mời Việt Nam tham gia Công ty Cao su quốc tế ba bên để nâng lượng cắt giảm cao su xuất khẩu lên 700.000 tấn. Động thái này đã tác động tích cực đối với thị trường cao su.
Nhà phân tích Kazuhiko Saito – Công ty môi giới giao dịch hàng hóa Fujitomi ở Tokyo – nhận định: “Động thái hạn chế xuất khẩu của Thái Lan và các nước sản xuất cao su lớn khác vào đầu tháng 3/2016 đã làm tăng lo ngại nguồn cung sẽ giảm”.
Thời gian qua, do giá cao su xuống thấp nên các quốc gia trồng cao su đang đẩy mạnh thanh lý vườn cây già; hạn chế khai thác và không mở rộng trồng mới. Ngoài ra, hiệu ứng El Nino gây hạn hán cũng phần nào làm giảm lượng cung mủ cao su.
Một thông tin khác cũng hỗ trợ giá cao su tăng là tồn kho cao su thế giới đã giảm đáng kể. Tính tới cuối tháng 10/2015, lượng tồn kho cao su thế giới là 1,84 triệu tấn, giảm từ 2,06 triệu tấn từ cuối năm 2014. Thêm vào đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc đang dần phục hồi sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới.
Chưa bền vững
Với diễn biến giá cao su vừa qua, các doanh nghiệp cao su có thể cải thiện mục tiêu kinh doanh trong năm 2016. Diễn biến các phiên giao dịch vừa qua cho thấy, giá CP cao su có nhiều phiên phục hồi nhờ vào những đợt tăng của giá cao su thế giới nhưng thường chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Sự chắc chắn trong việc giá cao su hồi phục vẫn chưa rõ ràng nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục trông chờ vào việc thanh lý vườn cây, cổ tức từ các khoản đầu tư và tiền lãi gửi tiết kiệm. Trong khi đó, số dư tiền mặt cũng giảm dần do việc chi trả cổ tức, do đó, nếu giá cao su không phục hồi trở lại một cách rõ ràng, các doanh nghiệp trong ngành sẽ đối mặt với sự sụt giảm lợi nhuận.
Theo các nhà đầu tư, CP cao su dù tăng khá mạnh trong thời gian gần đây nhưng chưa mang tính liên tục và bền vững nên rủi ro với ngành cao su vẫn còn lớn. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nhóm CP cao su sẽ sớm gặp phải áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu năm. Do đó, CP cao su không phù hợp với nhà đầu cơ lướt sóng, bởi tính biến động và rủi ro còn khá cao.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>