Hội nghị diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 30 của Nhóm đặc trách sản phẩm cao su (TFRBP) – trực thuộc RBPWG, tổ chức vào ngày 18/02/2025. Hai cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 8 quốc gia thành viên ASEAN, gồm Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanma, Philippin, Thái Lan, Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do đại diện của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) làm trưởng đoàn, các thành viên là đại diện của Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Chất lượng Quốc gia TCVN/TC 45 Cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động trong hai sự kiện trên.
.jpg)
Các đại biểu tham gia Hội nghị theo hình thức trực tuyến
Hội nghị lần thứ 30 Nhóm đặc trách sản phẩm cao su (TFRBP) do Trưởng nhóm đặc trách (Indonesia) điều hành, thực hiện các nội dung chính sau:
+ Xem xét hiện trạng chấp nhận 16 tiêu chuẩn quốc tế ISO tại các quốc gia thành viên và thảo luận về khả năng hài hòa các tiêu chuẩn này trong ASEAN. Các tiêu chuẩn này thuộc nhóm tiêu chuẩn cao su nguyên liệu (cao su latex, cao su thô thiên nhiên), về phương pháp thử và chất lượng sản phẩm;
+ Xem xét hiện trạng và khả năng hài hòa nhóm 23 tiêu chuẩn về sản phẩm cao su cho ô tô NON UN-ECE;
+ Xác định các tiêu chuẩn sản phẩm cao su mới để đề xuất hài hòa trong khu vực;
+ Thảo luận về việc đề xuất và biểu mẫu hủy bỏ các tiêu chuẩn đã hài hòa ra khỏi danh mục hài hòa của ASEAN;
+ Thảo luận về đề xuất kéo dài nhiệm kỳ của Trưởng nhóm và Thư ký TFRBP.
Tại hội nghị lần thứ lần thứ 39 của RBPWG, các đoàn đại biểu đã được báo cáo về kết quả cuộc họp lần thứ 30 TFRBP. Cũng tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã báo cáo về hoạt động tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO. Đây là hai dự án thuộc ISO/TC 45/SC 3 (Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế về Nguyên liệu thô (bao gồm latex) sử dụng trong ngành cao su) do Việt Nam đề xuất và chủ trì:
1) Dự án soát xét tiêu chuẩn ISO 127: 2018, Rubber, natural latex concentrate – Determination of KOH number (Latex cao su thiên nhiên cô đặc – Xác định trị số KOH), do bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc làm trưởng dự án, và
2) Dự án soát xét tiêu chuẩn ISO 1656:2019, Rubber, raw natural, and rubber latex, natural – Determination of nitrogen content (Cao su thiên nhiên thô và latex cao su thiên nhiên – Xác định hàm lượng nitơ), do PGS. TS. Phan Trung Nghĩa làm trưởng dự án.
Ngoài ra, Nhóm công tác cũng làm việc về các chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực và kỹ thuật cho các nước thành viên, sửa đổi các điều khoản tham chiếu của RBPWG, đề xuất kéo dài nhiệm kỳ của Đoàn Chủ tịch RBPWG, đề xuất thành lập Nhóm chuyên trách về tiêu chuẩn găng tay y tế dùng một lần và cuối cùng là lập kế hoạch các cuộc họp tiếp theo.
Hai hội nghị đã thành công tốt đẹp khi các quốc gia thành viên đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề được nêu ra bàn thảo. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ban thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanma, Philippin, Thái Lan và Việt Nam đã tích cực thảo luận, nêu quan điểm và đóng góp vào việc đưa ra kết quả thống nhất của Hội nghị. Hoạt động của đoàn Việt Nam trong khuôn khổ nhóm công tác cao su đã thể hiện được vị trí, vai trò của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ASEAN thông qua công tác tiêu chuẩn hóa.