Tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, giá FOB của STR–20, RSS–3 và Latex–60% tăng vọt từ 10% đến 11% trong một thời gian ngắn từ cuối tháng 4 đến 24 tháng 5. Trên thị trường tương lai, hợp đồng TSR–20 giao dịch tháng đầu tiên chuẩn trên nền tảng SGX SICOM đã tăng 10,1% trong khoảng thời gian từ ngày 24/4 đến ngày 24/5/2024. Bốn biểu đồ dưới đây cho thấy mức tăng giá tại các thị trường vật chất và tương lai từ cuối tháng 4 đến ngày 24/5.
Sự phục hồi giá hiện tại không phải do nhu cầu thúc đẩy vì nó vẫn tiếp tục thấp. Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu và tiêu thụ CSTN lớn nhất thế giới, tổng khối lượng nhập khẩu CSTN trong 4 tháng đầu năm nay giảm 22,5% xuống còn 1,686 triệu tấn. Nhập khẩu CSTN giảm 6,4% ở châu Âu và 7,1% ở Hoa Kỳ trong ba tháng đầu năm nay so với hàng năm. Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ cùng nhau chiếm 58% nhu cầu CSTN của thế giới. Theo ước tính của WhatNext Rubber Media International, mức tiêu thụ CSTN trên thế giới đã giảm 1,5% trong bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi giá hiện tại phần lớn được thúc đẩy bởi nguồn cung. Theo ước tính của WhatNext, sản lượng trong quý đầu tiên của năm nay giảm 18,3% đối với Thái Lan, giảm 15,2% đối với Indonesia và giảm 2,7% đối với Việt Nam so với cùng kỳ năm trước. Ba quốc gia này chiếm 57,5% tổng sản lượng CSTN trên thế giới. Sản lượng thế giới giảm 8,5% trong quý đầu tiên năm nay so với cùng kỳ năm trước. Ước tính rằng sản lượng thế giới đã giảm 5,0% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Lượng hàng đến thị trường thấp liên tục tạo động lực cho thị trường địa phương đối với mủ chén và mủ tươi. Giá của TSR, Latex–60% và RSS chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn cung nguyên liệu thô (mủ chén và mủ tươi) ở các thị trường địa phương khác nhau, đặc biệt là ở Thái Lan. Tình trạng lượng cao su đến thị trường giảm thấp hiện nay là điều bất thường vào thời điểm này. Theo quy luật thông thường, lượng mủ chén và mủ tươi xuất hiện trên thị trường sẽ tăng trở lại vào nửa cuối tháng 5 khi nông dân bắt đầu thu hoạch lại sau thời gian ngừng cạo mủ trong mùa thay lá. Tình hình hiện tại trái ngược hoàn toàn với quy luật theo mùa thông thường. Cụ thể hơn, lượng cao su đưa ra thị trường giảm mạnh vào thời điểm mà những người tham gia thị trường phần lớn kỳ vọng nguồn cung sẽ tăng theo mùa rõ rệt. Lượng hàng đến thị trường thấp bất ngờ làm dấy lên mối lo ngại mới về sự sẵn có của nguyên liệu thô cho các công ty chế biến để vận hành các nhà máy TSR, mủ ly tâm và RSS. Tình trạng này đã khiến giá mủ chén và mủ tươi tăng mạnh ở nhiều thị trường địa phương. Như thể hiện trong hai biểu đồ dưới đây, giá mủ chén tăng 11,3% và giá mủ tươi tăng 13,1% trong khoảng thời gian ngắn từ cuối tháng 4 đến ngày 24/5 tại các thị trường địa phương ở Thái Lan.
Nguyễn Anh Nghĩa, theo Jom Jacob (www.whatnextrubber.com), nguồn: http://tapchicaosu.vn/2024/06/07/gia-cao-su-tu-nhien-tang-cao-do-lo-ngai-ve-nguon-cung/, ngày 07/6/2024 (TN trích dẫn)