Nếu không có biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 12% – 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, tăng gấp 3 lần con số 3,2% GDP vào năm 2020 (khoảng 10 tỷ USD). Đây là thông tin được các chuyên gia cho biết tại Hội nghị phát triển bền vững 2024, với chủ đề “Nền kinh tế mới” do Forbes Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, ngày 09/4/2024.
Dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia, sau hơn 3 thập niên mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Giai đoạn 2021 – 2030, kết quả phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý các nguồn tài nguyên tự nhiên và phương thức sản xuất. Tuy nhiên, với hơn 3.200 km bờ biển, địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Đáng chú hơn, biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi những nỗ lực chung tay và hành động quyết liệt, kịp thời. Cụ thể, tác nhân gây nóng kỷ lục tại nhiều khu vực trên toàn cầu là các hiện tượng thời tiết cực đoan từ khí thải nhà kính xuất phát từ hoạt động từ quá trình sản xuất, kinh doanh. Năm 2023 là năm nóng nhất trong 125.00 năm qua trên trái đất.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN
Riêng tại Việt Nam ở nhiều đô thị lớn có thể cảm nhận rõ rệt môi trường sống, làm việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề môi trường. Trong khi nhiều địa phương khác của Việt Nam chịu một số vấn đề về thảm họa thiên tai, sạt lở… Ông Christopher Howe, Giám đốc sáng kiến Đồng bằng châu Á Kiên cường và Giám đốc cảnh quan Đồng bằng sông Cửu Long của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) phân tích, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm kinh tế của Việt Nam chiếm 19% dân số cả nước, tạo ra khoảng 15% GDP, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước, nhưng cũng là vùng chịu tác động mạnh nhất về biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, các vấn đề xâm ngập mặn, hạn hán, lũ lụt, sụt lún, xói lở… còn đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng này.
Cùng với Chính phủ các nước, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ngăn sự nóng lên toàn cầu. Việt Nam cũng thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn với chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 28 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tổ chức cuối năm 2023, các quốc gia tham dự; trong đó có Việt Nam đã đạt được thỏa thuận lịch sử chuẩn bị kết thúc kỷ nguyên sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo lộ trình, các nền kinh tế bắt đầu khởi động giai đoạn chuyển đổi công bằng sang các loại năng lượng mới thân thiện với môi trường. Nỗ lực toàn cầu này hướng tới mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của trái đất dưới 1,5 độ C, dẫn đến các biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường không thể đảo ngược.
Liên quan đến phát triển bền vững, bà Phạm Thị Bích Liên, Trưởng phòng vận hành tiếp thị và phát triển bền vững, Home Credit Việt Nam cho biết, tài chính xanh là khái niệm khá phổ biến trong những năm gần đây và đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. Doanh nghiệp hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể hướng đến phát triển bền vững bằng hành động trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong xu hướng hiện nay, doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số, giảm tiêu thụ năng lượng… để thúc đẩy lối sống xanh, thân thiện môi trường… Ngoài ra, cân bằng giữa giá trị ngắn hạn với mục tiêu trung và dài hạn trong tương lai đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững như nâng cao nhận thức, minh bạch thông tin và đưa phát triển bền vững trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển.
Giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng phát triển châu Á cho rằng, để duy trì và cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế thì không còn cách nào khác là phải phát triển bền vững và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt, phát triển các-bon thấp không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu đối với Việt Nam trong giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thu hút FDI… Thách thức đối với Việt Nam là duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhưng phải giữ và giảm mức phát thải các-bon, trong khi những nỗ lực của của Chính phủ để hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, Việt Nam cần có cơ chế chính sách thúc đẩy tài chính xanh, nông nghiệp phát triển bền vững và quản lý rừng, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh, mở rộng hợp tác quốc tế… Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển các-bon thấp nằm ở trong một số lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp xây dựng xanh, nông nghiệp – nuôi trồng thủy sản, giao thông đô thị… Ngoài ra, với hơn 100 triệu dân số, nhóm thu nhập trung bình đang tăng cao, hướng đến nền kinh tế xanh… thì cần có giải pháp tác động lên thị trường tiêu dùng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty cổ phần dệt may, đầu tư, thương mại Thành Công chia sẻ, dệt may là một trong những lĩnh vực có tác động đến môi trường, nên doanh nghiệp luôn đưa ra cam kết phát triển bền vững hàng năm như xử lý nước thải, nguồn thải, hóa chất, chuyển dần sử dụng năng lượng thân thiện môi trường… Mỗi tháng, doanh nghiệp cũng cập nhật số liệu trên website công ty để minh bạch thông tin đến đối tác, khách hàng... Những năm gần đây, yêu cầu từ khách hàng về phát triển bền vững, nhất là ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) cũng tạo áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp dệt may và ngành hành. Chính vì vậy, doanh nghiệp không thể tự làm một mình mà cần sự đồng hành cùng đối tác, nhà cung cấp, người tiêu dùng để đạt được những mục tiêu trong cả chuỗi cung ứng. Đối với vấn đề phát triển bền vững thì hầu hết những đơn vị tham gia chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh đều nhận thức được, nhưng để thực hiện thì gặp phải không ít thách thức, nhất là tài chính. Còn khách hàng thì vừa đòi hỏi sản phẩm xanh – sạch hơn, vừa đảm bảo giá thành phải cạnh tranh, nên đây là bài toán khó giải của doanh nghiệp trong cân đối hài hòa chi phí sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, ông Joseph Low, Chủ tịch, Khối Bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam chỉ ra rằng, phát triển bền vững là một trong những trụ cột trọng tâm của lĩnh vực bất động sản, do đó doanh nghiệp đã và đang đặt ra những mục tiêu cụ thể trong giảm sử dụng năng lượng, lượng nước tiêu dùng, tăng nguyên liệu xanh... Doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh phát triển bền vững từ năm 2019 đến nay, với nhiều chứng nhận xây dựng xanh và cho các dự án của công ty.
Bức tranh phát triển bền vững cần hệ sinh thái và toàn chuỗi cung ứng tham gia với những cam kết, giải pháp mang tính thiết thực với sự đo lường thống kê trên cơ sở số liệu mới đạt hiệu quả cao. Vì vậy, Việt Nam muốn phát triển bền vững nền kinh tế phải sự chung tay của hệ thống từ cơ chế chính sách của Chính phủ, bộ ngành… đến địa phương, doanh nghiệp, người dân.
Mỹ Phương, nguồn: https://bnews.vn/tim-huong-di-moi-trong-xu-the-phat-trien-ben-vung/329470.html, ngày 09/4/2024 (TN trích dẫn)