Tin tức

VRG phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

08/04/2024

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nông nghiệp năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, hướng đến tăng trưởng xanh – phát triển bền vững, trong 2 ngày 31/3 & 01/4/2024 tại Công ty CP Cao su Đồng Phú và Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su. Hội nghị đã đánh giá hiện trạng công tác sản xuất nông nghiệp đến năm 2023, phân tích cụ thể những thuận lợi, khó khăn tồn tại ở 6 vùng trồng cao su của VRG, công tác liên kết phối hợp giữa nhà khoa học với doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; xác định các giải pháp sản xuất cao su đạt hiệu quả cao theo hướng kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù từng vùng/miền nhằm phát huy hết tiềm năng tối đa hiện có.


Quang cảnh hội nghị
Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cây cao su
Hiện nay, VRG đã góp vốn và đầu tư vào 66 công ty trồng, khai thác, chế biến cao su với tổng diện tích đang quản lý 378.670 ha; trong đó, trong nước 264.937 ha; nước ngoài 113.733 ha. Trong năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu chính, sản lượng khai thác đạt 450.328 tấn, vượt 25.000 tấn, tỷ lệ vượt 5,8%; năng suất bình quân 1,6 tấn ha. Có 16 đơn vị đạt Câu lạc bộ 2 tấn/ha. Bên cạnh đó, vẫn còn 11 đơn vị không hoàn thành kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao.
Đến cuối năm 2023, VRG có tổng cộng 87.315,08 ha cao su kiến thiết cơ bản, phần lớn tập trung vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên với tổng diện tích 64.139,86 ha (chiếm 73%). Kết quả phân loại chất lượng vườn cây, nhóm vượt tiêu chuẩn chất lượng với tổng diện tích 17.541,52 ha (chiếm 20,1%); nhóm này có tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn vanh thân từ 80% trở lên, mật độ cây hữu hiệu từ 493 – 549 cây/ha. Nhóm đạt tiêu chuẩn chất lượng với tổng diện tích 15.180,59 ha (chiếm 17,4%); nhóm này có tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn vanh thân từ 62 – 70%, mật độ cây hữu hiệu từ 493 – 540 cây/ha. Nhóm dưới tiêu chuẩn chất lượng với tổng diện tích 36.425,22 ha (chiếm 41,7%); trong đó, diện tích 24.487,49 ha có mật độ cây hữu hiệu từ 440 cây/ha, nhưng tỷ lệ cây đạt vanh thân thấp (29 – 38%); trên tổng thể nhóm này cho thấy yếu tố tăng trưởng vanh thân không đạt, nguyên nhân chính do phân bón không đủ theo quy trình kỹ thuật (QTKT), kết quả thống kê cho thấy lượng phân bón trong năm 2023 chỉ mới đáp ứng 53% nhu cầu, hầu hết vườn cây đến năm thứ 5 không còn chi phí cho phân bón.
Năm 2023, diện tích trồng xen trên vườn cây cao su của VRG là 20.039,96 ha, tập trung chủ yếu khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Trong đó, cây dài ngày 10.059,42 ha (gồm: cao su gỗ – mủ, cà phê, chuối, dó bầu), cây ngắn ngày 9.980,54 ha (gồm: khoai lang, bắp, đậu, mè…). Tính đến năm 2023, diện tích luân canh trên đất cao su, đất chờ chuyển mục đích của VRG là 4.379,69 ha. Trong đó, cây ngắn ngày 1.654,27 ha, chiếm 38% tổng diện tích luân canh, các loại cây đang trồng có diện tích lớn chủ yếu là mía, mỳ (Đông Nam bộ, Bình Thuận), khoai lang (Tây Nguyên); cây dài ngày 2.725,42 ha chiếm 62% gồm các loại cây keo lai, chuối, cao su gỗ – mủ. Qua đánh giá bước đầu, keo lai là loại cây khá thuận lợi phục vụ công tác luân canh, thích nghi nhiều điều kiện đất đai và tiểu vùng sinh thái, thị trường tiêu thụ lớn.
Về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC), tính đến tháng 3/2024, Tập đoàn đang triển khai thực hiện 13 dự án NNUDCNC với tổng diện tích được phê duyệt là 4.095,02 ha. Trong đó, đã thực hiện 1.729,4 ha (chiếm 42,2%), diện tích còn lại 2.365,7 ha (chiếm 57,8%). Trong các dự án NNUDCNC, chuối cấy mô Cavendish đứng đầu về diện tích triển khai với 1.527,2 ha, tương đương 88,3% tổng diện tích, cho thấy đây là loại cây trồng có nhu cầu tiêu dùng lớn. Bên cạnh đó, các loại cây trồng khác như bưởi, mít, sầu riêng, khoai tây, bắp với diện tích nhất định, thể hiện sự đa dạng trong cơ cấu cây trồng của các dự án NNUDCNC. Hiệu quả bước đầu các dự án hợp tác liên kết có nguồn thu nhập cố định từ 14 – 32 triệu đồng/ha/năm.
Triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao
Về kế hoạch khối lượng nông nghiệp năm 2024, tổng diện tích đất nông nghiệp của VRG là 397.881,76 ha. Trong đó, diện tích tái canh – trồng mới 8.101,23 ha; KTCB 74.584,48 ha; kinh doanh 293.709 ha. Tổng sản lượng khai thác mủ 445.200 tấn. Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đã đưa ra các giải pháp cụ thể đối với vườn cây kinh doanh để hoàn thành vượt mức kế hoạch về chỉ tiêu sản lượng mủ, mục tiêu đặt ra đạt 470.000 tấn, vượt trên 5%. Đối với công tác tái canh kiểm soát chất lượng cây giống, đúng cơ cấu giống, trồng đúng vụ; phấn đấu 100% diện tích đạt và vượt tiêu chuẩn chất lượng theo QTKT. Kiểm soát an toàn dịch bệnh, không để ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất mủ của vườn cây. Tham mưu cho Lãnh đạo Tập đoàn triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao tại khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên, mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa hình, môi trường và tính chất đất của vùng Duyên hải miền Trung. Định hướng cho khu vực Campuchia, Lào xây dựng hoàn tất kế hoạch tổ chức sản xuất và lộ trình tái canh cao su giai đoạn 2. Mô hình canh tác phù hợp với kết quả phân loại hiện trạng đất, bố trí cây trồng theo hướng phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất.
Mô hình quản lý chất lượng, năng suất vườn cây cao su
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Kỹ thuật VRG cũng đã báo cáo định hướng nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Xác lập các mô hình sản xuất gắn mục tiêu kinh tế nông nghiệp có hiệu quả sử dụng đất cao, bền vững hướng đến chiến lược tăng trưởng xanh – phát triển bền vững của Tập đoàn.
Tại hội nghị, các đơn vị đã báo cáo tham luận chia sẻ về những mô hình, giải pháp để sản xuất kinh doanh (SXKD) cao su hiệu quả; đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất phù hợp từng vùng miền để nâng cao hiệu quả SXKD cao su; các giải pháp duy trì năng suất bình quân vườn cây cao su kinh doanh trên 2 tấn/ha, nâng cao năng suất lao động thu hoạch mủ và quản lý suất đầu tư nông nghiệp hiệu quả cao; định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang công nghiệp – dịch vụ đang diễn ra tốc độ nhanh; các giải pháp quản lý và kỹ thuật để nâng cao hiệu quả của công tác xen canh, luân canh; công tác đào tạo cán bộ cán bộ nông nghiệp… Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, chiều ngày 31/3, đoàn đại biểu đã tham quan các mô hình tại Cao su Đồng Phú, gồm: giống mới năng suất cao, xen gỗ mủ và xen cây trồng khác, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chuyên canh chuối cấy mô), trường thi thợ giỏi năm 2024.

Thiên Hương – Đào Phong – Hằng Ny, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2024/04/01/vrg-phat-trien-nong-nghiep-xanh-ben-vung/, ngày 01/4/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>