Tin tức

Thước “thông minh” chia mặt cạo

29/08/2016

 Anh Trần Như Hiệp, công nhân khai thác mủ Nông trường Gia Huynh thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, vừa nghiên cứu sáng kiến cải tiến khâu thiết kế miệng cạo úp (miệng cạo đục) và được đưa vào áp dụng trong thực tiễn.


 Đó là thước “thông minh” dùng chia mặt cạo thay thế cho dây 3 gút.

Thước dây đã được hiệu đính
Điều đáng nói là thâm niên cạo mủ của anh Hiệp chỉ 4 năm và năm nay anh mới bắt đầu chuyển qua cạo đục lần đầu tiên nhưng đã sáng chế ra thước “thông minh” thay thế cho dây 3 gút có hàng trăm năm nay, kể từ ngày người Pháp đưa cây cao su vào Việt Nam. Sáng chế này làm đơn giản việc thao tác, làm lợi trên 40% thời gian chia mặt cạo với số đo có độ chính xác 100%.
Sau khi tính toán và tự làm một cái thước cho mình đưa vào lô cao su chia mặt cạo vừa nhanh, vừa chính xác về số đo, anh thông báo với đội trưởng và Giám đốc nông trường Trần Bảo Quốc. Vốn là các cán bộ trẻ chịu lăn lộn với thực tế nên các anh lãnh đạo đồng ý ngay và khích lệ tinh thần sáng tạo của anh Hiệp.
Chỉ ngay sau ngày thứ 2 kể từ khi anh Hiệp áp dụng thành công trên phần cây của mình, anh Quốc “đặt hàng” anh Hiệp hàng trăm thước “thông minh” để triển khai và được công nhân hào hứng tiếp nhận, thán phục. “Thước thông minh” là cái tên ấn tượng do anh Quốc đặt.
Theo cách truyền thống, để chia mặt cạo úp hay ngửa người công nhân dùng dây 3 gút. Riêng với mặt cạo úp ¼ vanh phải thao tác 2 lần mới tìm ra điểm cần đánh dấu, mất nhiều công sức. Dùng thước thông minh chỉ cần 1 lần thao tác là xong với độ chính xác tuyệt đối.
Cán bộ kỹ thuật dùng thước “thông minh” chia mặt cạo
Theo đó, trên mặt số của thước dây tác giả đã chia và dùng viết ghi lên đó các số chia của vanh thân cây. Ví dụ khi chia ¼ vanh: Nếu số đo vanh là 100 cm điểm hậu cần đánh dấu là điểm 25 cm trên mặt thước, khi số đo vanh là 99 cm điểm hậu là 24,75 cm, số đo vanh là 98 cm điểm hậu là 24,5 cm… Tác giả dùng viết ghi số 100 đè lên số 25, ghi số 99 đè lên số 24,75, ghi số 98 đè lên số 24,5…
Như vậy, vị trí cần đánh dấu lên thân cây chính là số đo của vanh thân cây, người công nhân đứng quay mặt vào mặt tiền miệng cạo, đặt số 0 của thước dây vào điểm mặt tiền, quàng thước qua bên tay trái đo vanh thân cây và chỉ cần tìm, đánh dấu vào điểm có số ghi tương ứng với số đo vanh thân cây là xong.
Với cùng một công nhân chia mặt cạo trên cùng một vườn cây, làm theo phương pháp mới tiết kiệm được từ trên 40% thời gian và công sức với số đo chính xác tuyệt đối. Với cách làm tương tự, thước này cũng được dùng khi chia mặt cạo ½ vanh cho cây cao su mới mở miệng lần đầu và có thể ứng dụng cho các ngành khác khi cần chia vanh với thời gian rút ngắn và độ chính xác tuyệt đối. Đây là sáng kiến cần được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong toàn ngành.
Văn Nguyễn – Thiết Công, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/ky-thuat-cao-su/kinh-nghiem-giai-phap/thuoc-thong-minh-chia-mat-cao.html, ngày 24/8/2016 (Công Nhựt trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>