Tin tức

Gia Lai tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng

24/08/2016

 Để kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích, ngày 30/5/2016 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định 369/QĐ – UBND về chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong điều kiện biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.


 

Cùng với cao su và hồ tiêu, cà phê là cây chủ lực của ngành nông nghiệp Gia Lai

Tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị
Gia Lai hiện có trên 100 ngàn ha cao su, 80 ngàn ha cà phê, 63 ngàn ha mì (sắn), 51 ngàn ha ngô (bắp), 38 ngàn ha mía, 17 ngàn ha điều và khoảng 15 ngàn ha hồ tiêu… Đây là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp điền trang. Thời gian qua sản xuất nông nghiệp của Gia Lai đã có những bước phát triển khá toàn diện và đáng kể, thể hiện qua việc giá trị sản xuất nông nghiệp luôn tăng khá, tạo việc làm và tăng thu nhập cho gần 70% người dân nông thôn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quốc Việt – Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết: “Với diện tích cây công nghiệp dài ngày đã được định hình như cao su, cà phê, điều hay hồ tiêu tại một số huyện thì việc tái cơ cấu những vùng này là rất khó, bởi nó là vùng đất phù hợp với những loại cây đã được xác định, được các doanh nghiệp và hộ gia đình chọn lựa khi trồng, hơn nữa có thay đổi cây trồng trên những vùng đất này cũng không thể bởi còn phụ thuộc vào nguồn nước, khí hậu, độ cao… Chính vì thế có tái cơ cấu lĩnh vực này thì chỉ có cách làm sao để có thể nâng cao giá trị của cây trồng đó lên cao hơn nữa”.
Việc hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cộng với việc người dân đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp và các hình thức sản xuất theo mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn… phần nào đã giúp năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng lên, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp và thiếu ổn định. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được chuỗi sản xuất giá trị theo ngành hàng có lợi thế và dễ bị thiệt hại do biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay sự bấp bênh của thị trường.
Mở ra triển vọng mới
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã phần nào mở ra triển vọng mới cho các huyện. Theo ông Nguyễn Trường – Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ – việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với quy hoạch và sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì cần phải áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, để giúp người nông dân phát triển kinh tế, các địa phương cần tạo điều kiện cho nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tổ chức hình thức sản xuất tập thể, đặc biệt là phải gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến sản phẩm.
Tại Hội nghị này, nhiều lãnh đạo các huyện cũng nêu ý kiến trong thời gian tới sẽ chỉ đạo cho các phòng, ban chuyên môn của huyện định hướng cho người dân từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đại diện lãnh đạo huyện K’bang cho hay, thời gian tới, huyện sẽ tập trung chuyển đổi cây trồng, đưa một số cây trồng mới vào sản xuất như mắc ca, chanh dây, cây dược liệu… là những cây mới cho giá trị kinh tế cao. Đối với các loại cây trồng công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê, cao su, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng chỉ ra rằng thời gian tới rất cần việc đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, đào hố trồng mới 95%, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, hình thành vùng sản xuất hồ tiêu công nghệ cao, thực hiện tái canh hơn 13.610 ha cà phê.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>