Tin tức

Nông hộ làm gì để nỗ lực giữ vườn cao su tiểu điền giữa mùa giá giảm?

05/06/2023

Giá mủ cao su vẫn đang ở mức thấp. Tuy nhiên, cao su vẫn là nguồn thu ổn định khi chưa có giải pháp hiệu quả lâu bền để thay thế. Nhiều nông hộ ở Bình Dương vẫn giữ lại vườn cao su tiểu điền của mình.
 


Cao su tiểu điền “gồng mình” theo giá
Mùa khai thác mủ cao su năm 2023 đã bắt đầu được khoảng 1 tháng. Hiện, giá mủ cao su tiểu điền vẫn đang thấp hơn so với mùa vụ những năm trước. Vụ khai thác năm nay, nông dân bán ra ở mức 220 – 270 đồng/độ, giảm khoảng 100 đồng/độ so với đầu vụ những năm gần đây.
Ông Đặng Văn Xuân bên vườn cao su của gia đình ở xã An Bình,
huyện Phú Giáo, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh
Ông Đặng Văn Xuân, nông dân ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) có vườn cao su rộng 1,2 ha. Thời gian gần đây, giá mủ cao su xuống thấp. Ông Xuân thanh lý bớt phần diện tích cao su già cỗi, rồi dành ra một phần đất để trồng hoa lan mokara và dưa lưới. Ông Xuân nhẩm tính, giá mủ cao su phải đạt 500 đồng/TCS nông dân mới sống ổn. Thế nhưng, giá mủ cao su giảm thấp, hiện chỉ còn hơn 200 đồng/TCS. Sau khi thanh lý phần diện tích già cỗi, hộ cao su tiểu điền có thêm một khoản chi phí để tái đầu tư. Phần diện tích cao su ông Xuân chuyển đổi để làm nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao thêm thu nhập. “Gia đình vẫn giữ phần diện tích cao su còn lại bởi cao su là loại cây trồng cho thu ổn định dù giá mủ cao su không hề ổn định’’, ông Xuân nói.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong vòng 10 ngày giữa tháng 5/2023, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động. Giá mủ cao su tiếp tục duy trì quanh mức 225 – 280 đồng/TSC. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 270 – 280 đồng/TSC. Trong khi đó, tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty CP Cao su Phước Hòa được giữ ở mức 278 – 280 đồng/TSC. Tại Gia Lai, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 225 – 235 đồng/TSC.
Giữ diện tích cao su tiểu điền chờ thị trường hồi phục
Ở xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng), ông Huỳnh Văn Điểm có hơn 2 ha cao su tiểu điền đang thời kỳ khai thác mủ. Những năm gần đây, dù giá mủ cao su biến động theo chiều hướng giảm, ông vẫn chăm sóc vườn cao su để đảm bảo nguồn thu cho gia đình. Ông Điểm kể, hiện nay, phần lớn các hộ trồng cao su tiểu điền khai thác theo hình thức D2 hoặc D3, nghĩa là 2 hoặc 3 ngày mới khai thác một lần. Các nông hộ cũng tăng cường công lao động của gia đình để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, đảm bảo nguồn thu nhập. Theo ông Điểm, cao su vẫn là nguồn thu ổn định đối với nông dân ở địa phương. “Cũng đã có một số nông hộ chuyển đổi diện tích sang trồng các loại cây khác, nhưng phần lớn vẫn duy trì vườn cây cao su chờ tín hiệu thị trường khả quan hơn’’, ông Điểm nói. Hiện nay, tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt gần 134.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên.
Cao su vẫn là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Vì thế ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương khuyến cáo nông dân giữ diện tích cao su thời kỳ thiết cơ bản. Những vườn cao su thanh lý để chuyển đổi cây trồng khác, chỉ nên thực hiện đối với những vườn cao su già cỗi. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương khuyến cáo, diện tích cao su khai thác cần có sự điều tiết hợp lý trong khâu chăm sóc để giữ chất lượng và sản lượng mủ; đồng thời duy trì diện tích cao su tiểu điền bởi đây là 1 trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh.

Trần Khánh, nguồn: https://danviet.vn/cao-su-tieu-dien-lam-gi-de-giu-vuon-giua-mua-gia-giam-20230531154849683.htm, ngày 01/6/2023 (HG trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>