Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, chuyển đổi số là một quá trình liên tục và lâu dài. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn những thách thức như hiện nay, chuyển đổi số đang được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng để các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, vốn chiếm phần lớn trong nền kinh tế và trên thị trường chứng khoán khoán hiện nay, cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu suất, cũng như tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV, cho rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết sách phát triển mạnh mẽ về chuyển đổi số. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số như một cú hích quan trọng, thậm chí tạo ra xung lực rất mạnh để cho tất cả các tổ chức thực thi chiến lược chuyển đổi số. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, giai đoạn vừa qua, hoạt động chuyển đổi số đã diễn ra rất mạnh mẽ. Nếu tính toàn lĩnh vực ngân hàng, riêng giao dịch trong năm 2022 qua hệ thống chuyển mạch quốc gia, số lượng giao dịch tài chính bằng 3 năm trước đó cộng lại. Trong phạm vi của ngân hàng cũng ghi nhận số lượng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như đối với các khách hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân, lượng giao dịch qua các kênh số tăng trưởng trong năm 2022 gấp đôi so với năm trước và bằng 5 năm trước cộng lại. Đặc biệt trong hai năm 2021 và 2022, DN vừa và nhỏ ghi nhận các giao dịch chuyển dịch trên không gian số rất mạnh mẽ.
Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT chia sẻ nên làm rõ về định nghĩa chuyển đổi số là gì. Theo Gartner, chuyển đổi số tương tự như chất xúc tác, không phải là chi phí, tức chuyển đổi số sẽ giúp tất cả các hoạt động kinh tế phát triển. Theo dữ liệu thống kê thực tế, bất kể khi nền kinh tế đi xuống hoặc đi lên, chi tiêu cho chuyển đổi số vẫn được duy trì. Ở Việt Nam, quý I đánh dấu sụt giảm về GDP, tuy nhiên, mục tiêu của cả năm vẫn là 6,5%. Trên thế giới, kinh tế cũng bị ảnh hưởng nhưng các hoạt động liên quan chuyển đổi số không bị cắt giảm, vì vậy, chuyên gia kỳ vọng các DN Việt Nam cũng hòa theo xu hướng của thế giới, duy trì đầu tư cho chuyển đổi số.
“Theo thống kê, tổng số DN vừa và nhỏ chiếm đến gần 40% GDP của Việt Nam. Đây là con số không hề nhỏ và tương lai đây sẽ là những DN lớn. Vì vậy, đây chính là những đối tượng cần được hỗ trợ, thúc đẩy phát triển vì họ là tương lai của đất nước” ông Hòa chia sẻ. Và rất may mắn khi có những chính sách từ phía Nhà nước, các cấp chính quyền, các ngân hàng, các DN…mọi người đều đánh giá cao về chuyển đổi số và vai trò quan trọng của lĩnh vực này. Ngoài ra, thị trường, cũng có một số giải pháp phục vụ cho các DN vừa và nhỏ như akaBot hay Ubot. Và khi quan sát khoảng 10.000 khách hàng đang sử dụng hệ thống của FPT, dữ liệu thực tế chỉ ra rằng, khi các DN càng thực hiện chuyển hưởng số, càng ứng dụng công nghệ thì hoạt động kinh doanh càng tốt lên. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp tiết giảm chi phí như giảm thời gian sử dụng tác vụ, giảm thời gian chờ, giảm nhân công.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, đầu năm 2022, Ngân hàng số BIDV đã có những khoản tín dụng mạnh mẽ với lãi suất phù hợp để hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ. BIDV đã chia các DN vừa và nhỏ thành nhóm những những DN chưa có nền tảng công nghệ tốt, nhóm các DN có nền tảng công nghệ vừa phải và nhóm DN thứ ba là nhóm biết tận dụng cho công nghệ tốt, từ đó có những giải pháp hỗ trợ cho quản trị, đặc biệt là giảm rất nhiều chi phí cho các DN.
Không ít DN băn khoăn về các giải pháp chuyển đối số được cung cấp bởi các DN công nghệ Việt Nam so với nước ngoài. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ông Hòa cho rằng các sản phẩm được tạo ra tại Việt Nam đang khá được tin dùng, điểm thứ hai là nếu so sánh với các sản phẩm nước ngoài thì sản phẩm của Việt Nam có lợi thế rất lớn là đặc tính bản địa, có lợi thế hơn hẳn so với các sản phẩm quốc tế.
Cùng đồng ý với quan điểm của ông Hòa, ông Thắng chia sẻ bên cạnh góc độ ngân hàng, tại các sự kiện lớn, có thể Việt Nam được nhìn nhận như một điểm sáng về chuyển đổi số cho ngành tài chính ngân hàng. Ở Hoa Kỳ hay châu Âu, hệ thống tài chính đã đủ trưởng thành và đã có một mức độ nào đó khiến thị trường ngại thay đổi. Trong khi các nước mới nổi như Việt Nam hay các nước khu vực Đông Á lại đang phát triển nhanh chóng, chuyển đổi số mạnh mẽ và quyết liệt.