Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Chuyển đổi sản xuất xanh tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp

03/04/2023

Các chuyên gia kiến nghị cần có các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi từ công nghệ đến sản phẩm trong quá trình chuyển đổi xanh.
 

 

Doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường Hoa Kỳ
9 dự án các-bon thấp trên khắp Việt Nam đã được chọn để tham gia Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (gọi tắt là CFA Việt Nam) giai đoạn đầu tiên. Thông tin này vừa mới được Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Việt Nam công bố. Chương trình CFA là một trong những nỗ lực của Chính phủ Vương quốc Anh nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 ở Glasgow vào năm 2021. Thông tin từ Bộ Ngoại giao, Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, đã thống nhất một chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (gọi tắt là JETP). Theo đó nhóm đối tác cam kết huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3 – 5 năm để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh.
Không chỉ hút đầu tư trong nước, vừa qua một doanh nghiệp Việt Nam là Tín Thành Group, tiên phong trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải toàn cầu, đã chính thức động thổ Dự án xây dựng nhà máy cho thuê lốp xe, đắp lốp và tái chế lốp tại tiểu bang Nam Carolina, Hoa Kỳ với giá trị gần 70 triệu USD. Khi đi vào hoạt động trong 18 tháng tới, dự án này sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm ở cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Điều này cho thấy, Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực và các hành động cụ thể để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như cam kết tại Hội nghị COP26.
Hoa Kỳ đang có khoảng gần 300 triệu chiếc xe (đủ loại) chạy trên đường và con số này không ngừng tăng lên mỗi năm. Một con số tương tự lốp xe bị thải ra môi trường hàng năm. Như vậy, tính trung bình mỗi năm một người Hoa Kỳ sẽ phải thải bỏ 1 chiếc lốp xe. Nhưng quan trọng là họ không biết chúng sẽ đi về đâu và họ thậm chí còn phải đóng phí cho việc xả thải này. Anh AZAR – Quản lý tiệm sửa xe Modern Auto cho biết: “Chúng tôi phải trả 3 USD cho mỗi chiếc lốp thải ra. Tôi không biết họ làm gì với chúng. Tôi chỉ biết họ nói là mang đi tái chế. Nhưng tệ ở chỗ là, tôi phải trả tiền mỗi lần họ đến mang chúng đi, thật không thể hiểu nổi”.
Việc thải lốp xe sắp tới sẽ không còn là nỗi phiền muộn nữa. Doanh nghiệp Việt Nam vừa khởi công nhà máy tái chế lốp xe thành các nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng quan trọng hơn, trước đó họ phát triển mạng lưới cho thuê lốp xe. Điều đó có nghĩa, người tiêu dùng không cần mua mới và cũng không cần lo việc thải ra môi trường.
“Thứ nhất, công ty giảm cho khách hàng ít nhất 10% (giá thành) lốp xe, ít nhất 10% nhớt, ít nhất 2% là xăng dầu, ít nhất 30% giá các dịch vụ thay lốp và ít nhất 30% (tác động) tới môi trường khi các tiêu chuẩn thải ra, lốp thải ra, nhớt thải ra. Và khi sử dụng nitơ của công ty đưa vào lốp, tuổi thọ của lốp xe cũng sẽ tăng”, ông Trần Đình Quyền – Chủ tịch Tập đoàn Tín Thành cho biết. Công ty cũng kỳ vọng, sau khi đi vào hoạt động khoảng 3 năm, sẽ có ít nhất 50 triệu xe tải, xe dịch vụ sử dụng lốp cho thuê hàng năm. Các trạm dịch vụ của hãng sẽ là một hệ sinh thái gồm nhiều doanh nghiệp Việt có thể cùng tham gia.
Công ty cũng đang phát triển các ứng dụng (apps), chip thông minh và mạng thương mại điện tử để kết nối các điểm trạm dịch vụ vệ tinh phục vụ quá trình cho thuê và bảo trì lốp xe. Nguồn lốp xe sẽ được nhập từ Việt Nam, còn dịch vụ được triển khai tại Hoa Kỳ. Vì thế, khi dự án hoàn thành được kỳ vọng sẽ mang lại hàng ngàn việc làm cho cả hai phía.
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: “Hiện nay tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh lên rất là nhiều. Nhiều doanh nghiệp muốn vươn ra ngoài, vươn ra biển lớn. Trong đó, Hoa Kỳ là một địa bàn mà rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Các bang của Hoa Kỳ cũng đang mời gọi, đang có chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều điều kiện ưu đãi. Nếu như doanh nghiệp Việt Nam biết đến, họ sẽ quan tâm. Tôi tin đây mới chỉ là bước đầu tiên. Sẽ còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nếu đã thành công ở đây sẽ thành công ở những nơi tiếp theo”.
Doanh nghiệp Việt đang có chuyển đổi sản xuất xanh,
đặc biệt rõ ở việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng
tái tạo. Ảnh minh họa
Sản xuất xanh tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp
Giữa tháng 3 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, đơn vị này đang cân nhắc để đưa tiêu chí phát thải khí nhà kính vào báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết làm điểm phạt. Với mục tiêu nhằm nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Điều này cho thấy, các chuẩn mực về phát triển bền vững đang ngày càng được chú trọng.
Tuy nhiên theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thì chỉ có khoảng 50% các doanh nghiệp Việt quan tâm đến tăng trưởng xanh và rõ ràng từ quan tâm đến hành động cụ thể là khoảng cách khá xa.
Đây là năm thứ 3 doanh nghiệp cơ khí Đại Dũng thực hiện chiến lược chuyển đổi sản xuất theo quy trình đáp ứng tăng trưởng xanh, bền vững. Từ cách đảm bảo môi trường lao động an toàn... cho đến sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo. Theo doanh nghiệp, việc chuyển đổi không chỉ giúp tránh được lộ trình tăng thuế với sản phẩm cơ khí không được sản xuất xanh, từ các thị trường khó tính, mà còn giúp thu hút bạn hàng. Hiện đơn vị đã kín đơn hàng xuất khẩu, không lo thiếu việc. “Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp chúng tôi có được các chứng nhận, chứng chỉ thể hiện rằng chúng tôi đang sản xuất xanh để có được điều kiện tốt nhất tiếp cận khách hàng, tạo ra được sức cạnh tranh mới, đặc biệt là các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu”, ông Đỗ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đại Dũng cho biết.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp Việt đang có chuyển đổi sản xuất xanh đặc biệt rõ ở việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Nhận thấy xu hướng, nhóm đối tác quốc tế bao gồm các nước G7 và Liên minh châu Âu đã cam kết huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3 – 5 năm để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh. Mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp nội học hỏi, chuyển giao công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng xanh của châu Âu... “Với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế là có dự án kiểu “green-field”, tức bắt đầu từ đầu hoàn toàn. Cũng như là có các dự án chuyển đổi từ nguồn năng lượng khác sang năng lượng xanh. Với việc thực hiện những dự án đó tại Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ được học hỏi rất nhanh và hoàn toàn có thể thành công khi đầu tư ở nước ngoài”, ông Nguyễn Xuân Thắng – Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định.
Đã có chuyển dịch tích cực bước đầu, nhưng giới chuyên gia đánh giá, mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, có chưa đến phân nửa doanh nghiệp quan tâm đến tăng trưởng xanh. Từ quan tâm đến hành động cụ thể là khoảng cách xa, do đó điều kiện tiên quyết là sự thay đổi tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp. “Theo các khảo sát toàn cầu gần đây, những doanh nghiệp có sự chuẩn bị về chuyển đổi xanh, sức chống chịu với sự thay đổi của môi trường nói chung sẽ vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định. Như vậy chuyển đổi xanh bên cạnh việc hỗ trợ xuất khẩu, nó có đóng góp vào sự phát triển bền vững. Có thể nói là yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp hiện nay”, PGS TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đánh giá.
Theo giới quan sát, khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh là vốn đầu tư. Ngoài nguồn tín dụng xanh ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tài chính, các chuyên gia kiến nghị cần có các chính sách ưu đãi tín dụng, kích cầu đầu tư, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi từ công nghệ đến sản phẩm trong quá trình chuyển đổi xanh.

VTV Digital, nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/chuyen-doi-san-xuat-xanh-tao-dong-luc-tang-truong-cho-doanh-nghiep-20230331052413301.htm, ngày 31/3/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>