Thông tin được ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ tại Diễn đàn Thị trường Các-bon Việt Nam năm 2025 do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Cơ quan hợp tác Phát triển – Đại sứ quán Thụy Sỹ, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và cơ quan báo chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 10/4/2025. Nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, xây dựng và phát triển thị trường các-bon là bước đi chiến lược của Việt Nam. Sự phát triển của thị trường các-bon không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát lượng phát thải, mà còn tạo cơ chế giúp DN và tổ chức có thể mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon một cách hiệu quả, đồng thời khuyến khích các DN giảm thiểu phát thải để hưởng lợi từ chính sách trao đổi tín chỉ các-bon, thúc đẩy việc đầu tư vào công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc thành lập thị trường các-bon tự nguyện (VCM) sẽ góp phần thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải các-bon trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, thúc đẩy sự tham gia tự nguyện của khu vực tư nhân có thể hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ trong nỗ lực đạt được các cam kết. Theo đó, Diễn đàn thị trường các-bon Việt Nam 2025 kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin về các vấn đề liên quan đến thị trường các-bon, giúp DN nắm rõ các cơ chế, chính sách, lộ trình thiết lập và vận hành thị trường, từ đó DN khu vực tư nhân có những bước chuẩn bị cần thiết để có thể sẵn sàng tham gia thị trường các-bon. Đồng thời, cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thực tiễn, đa chiều, làm cơ sở để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách, đảm bảo hiệu quả cao khi thực thi chính sách.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, nhấn mạnh, “về mặt truyền thông, với tư cách là một cơ quan báo chí truyền thông chuyên sâu về kinh tế, đồng hành cùng DN, chúng tôi sẽ có những hình thức truyền thông thích hợp, phản ánh tất cả các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, DN tại Diễn đàn trên các nền tảng của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy bằng cả ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh”. Theo đó, các ý kiến tại diễn đàn sẽ được chắt lọc để truyền thông, phổ biến rộng rãi tới các cơ quan, đơn vị, DN cùng tham gia vào phát triển thị trường. Không những thế, qua đó, các DN có thể tìm được đối tác hợp tác phát triển thị trường các-bon giữa DN trong nước với nước ngoài.
Còn theo bà Elvira Morella, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đưa ra luật chơi trên thị trường, sự rõ ràng trong tham gia thị trường, vai trò của các bên. Với kinh nghiệm của IFC và các đối tác nghiên cứu trên toàn cầu, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường các-bon. Tuy nhiên, các DN mong muốn nắm bắt các thông tin, kế hoạch, lựa chọn các giải pháp tốt nhất để khử các-bon trong quá trình sản xuất kinh doanh, cũng như tham gia thị trường các-bon. Việc tham gia và phát triển thị trường đòi hỏi thời gian và nguồn lực. Với các DN lớn có nguồn lực dồi dào hơn, nhưng các DN vừa và nhỏ gặp nhiều rào cản nên rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Nhà nước.
Bà Elvira Morella cho rằng trong quá trình tham gia và phát triển thị trường các-bon, vai trò truyền thông là rất quan trọng để các DN nắm bắt được thông tin, có các hình thức hỗ trợ thông tin (như sổ tay hướng dẫn). Bà cũng nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn để sẵn sàng thiết lập và vận hành thị trường các-bon trong thời gian tới. Cùng với đó việc hoàn thiện xây dựng khung khổ pháp lý cho vận hành và phát triển thị trường cũng đang thu hút sự quan tâm của các đối tác phát triển, cũng như các DN tư nhân (đối tượng tham gia tích cực và chủ động). Theo các chuyên gia, thị trường các-bon là vấn đề mới và phức tạp nên cần có sự hỗ trợ thông tin. Chính vì vậy, việc tổ chức các sự kiện như Diễn đàn thị trường các-bon Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết để cung cấp thông tin trao đổi, góp phần thúc đẩy sự tham gia của các DN vào thị trường.
Trao đổi tại diễn đàn, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trong thời gian tới, trong khuôn khổ các hợp tác, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy truyền thông các hoạt động liên quan đến phát triển xanh, kiểm kê khí nhà kính và phát triển thị trường các-bon tới các DN. “Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu, đánh giá các tác động của thị trường các-bon tới nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các bộ (như Công Thương, Xây dựng…) để xây dựng trình Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ hạn ngạch khí nhà kính giai đoạn đầu dự kiến cho hơn 100 DN phát thải lớn trong một số lĩnh vực.
Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương hoàn thiện văn bản pháp lý để thị trường các-bon sớm vận hành thí điểm. Theo đó, Bộ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sàn giao dịch các-bon trong nước dự kiến ban hành trong thời gian tới để hướng dẫn việc giao dịch, lưu ký, thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch trong nước. Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho biết sẽ phối hợp với IFC để xây dựng và phát hành cuốn sổ tay hướng dẫn chi tiết cho DN Việt Nam tham gia thị trường các-bon, đặc biệt là thị trường các-bon tự nguyện. Ngoài ra cũng sẽ phát triển nhãn các-bon, giúp các DN có tín chỉ các-bon, tham gia thị trường các-bon. Điều này cũng góp phần hỗ trợ các DN xuất khẩu sang thị trường EU ứng phó với cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM).
Nhĩ Anh, nguồn: https://vneconomy.vn/se-co-so-tay-huong-dan-doanh-nghiep-viet-nam-tham-gia-thi-truong-carbon.htm, ngày 10/4/2025 (TN trích dẫn)