Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Kinh tế xanh, doanh nghiệp gian nan đi tìm vốn

02/10/2023

Doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đáp ứng “hàng rào xanh” đang được dựng lên tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn không dễ dàng.
 


Doanh nghiệp đi tìm vốn
Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, nhờ chủ động đầu tư hệ thống xanh phục vụ hiệu quả, tiết kiệm trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH Giấy Xuân Mai, Khu Công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè TP. HCM không chỉ có nhiều đơn hàng trong nước mà còn có được đơn hàng ổn định từ các tập đoàn lớn như: Pepsico (đa quốc gia), Ojitex (Nhật), BoxPax (Malaysia) và nhiều quốc gia khu vực châu Âu, châu Mỹ… Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH giấy Xuân Mai cho biết, với quy mô 2 nhà máy, công ty chuyên sản xuất giấy Kraft và giấy Tissue, với khoảng 80 90% công đoạn sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh hóa. Công ty đã đầu tư khoảng 5 triệu USD cho trạm xử lý nước thải và gần 10 triệu USD cho các khoản khác.
Khoảng 80% – 90% các công đoạn sản xuất của
Công ty Giấy Xuân Mai, KCN Hiệp Phước
đã đạt tiêu chuẩn xanh hóa. Ảnh: NQ
Việc đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cần nguồn vốn khá lớn nhưng bù lại đã tạo dựng được uy tín với khách hàng. Hiện tại, công ty có kế hoạch tiếp tục nâng cấp hệ thống nhưng rất khó vay vốn, đòi hỏi phải có dự án mới thì mới có thể tiếp cận được nguồn tín dụng xanh. “Giờ đi vay khó, chủ yếu dựa vào uy tín của công ty với ngân hàng thì người ta cho tài sản hình thành từ vốn vay để được vay. Còn Nhà nước thì chỉ mới cho hỗ trợ những công ty hạ tầng đầu tư trạm xử lý nước thải được vay với lãi suất bằng 0. Còn những doanh nghiệp đầu tư hệ thống xanh ngoài hạng mục vừa nêu thì chưa, vẫn có sự phân biệt”, ông Dũng nói.
Với ngành dệt may, doanh nghiệp không chỉ gồng mình đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm về số lượng, tăng về độ khó mà còn phải xoay xở đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, sản xuất bền vững từ các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ… Để chuyển đổi xanh thì chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro thị trường cao, doanh nghiệp mới thành lập khó chứng minh được năng lực tài chính. Đây cũng là lý do khiến nhiều dự án được hoạch định nhưng vẫn đang chật vật tìm vốn đầu tư. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, ngành dệt may đã tiếp cận với năng lượng tái tạo như: điện áp mái, điện mặt trời. Vấn đề là không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tài chính để đầu tư phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này. “Hiện nay, chúng ta đã đưa ra vấn đề tăng trưởng xanh như thế nào để bền vững và có thể thực hiện được. Câu hỏi đó được rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn, vì khi muốn thay đổi, chuyển đổi công nghệ thì tiền đâu? Có thể đây là nút thắt chưa tháo gỡ được ngay. Hiện nay, thế giới đưa ra một Quỹ để phục hồi, thực hiện chuyển đổi xanh. Chúng ta cũng thực hiện được việc đó, tuy nhiên, cần có cơ chế kịp thời”, ông Việt nói.
Mở lối tín dụng xanh
Trong bối cảnh chịu áp lực chuyển đổi xanh từ thị trường, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi nhưng chưa thể thực hiện. Cụ thể, trong ngành dệt may còn thiếu hụt nguồn cung, nhập khẩu lớn, chịu nhiều áp lực từ các vấn đề của thị trường, thay đổi công nghệ, tìm kiếm đơn hàng. Để giải bài toán này, ông Giang cho rằng, Bộ Tài nguyên – Môi trường nên xây dựng nguồn quỹ, hỗ trợ các khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hệ thống năng lượng xanh… tuân thủ đúng các điều khoản cho phép từ các hiệp định thương mại. Có như vậy mới giảm bớt nhập khẩu, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp. “Cần có nguồn vải trong nước thì mới lấy được dòng thuế từ hiệp định thương mại, chính sách phải sát với thực tế và nếu có bất cập thì phải điều chỉnh để giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, song hành mục tiêu xanh, chính sách xanh và phát triển thị trường”, ông Vũ Đức Giang cho hay.
Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn phù hợp, kịp thời, theo các chuyên gia, cần thiết nhất lúc này là vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh, thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. Cụ thể, có thể phát hành trái phiếu xanh để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ; dự án chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; các dự án đốt rác phát điện; nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, bờ kè chống ngập và các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách ưu đãi, giảm rào cản cho tín dụng xanh thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành. Thành phố nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới là xanh hóa và số hóa. “Từ kết quả Diễn đàn kinh tế TP. HCM vừa rồi về tăng trưởng xanh, tôi cho rằng, có nhiều giải pháp có ý nghĩa cần đúc kết ngay trong thời điểm này để hình thành một hệ thống quan điểm phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh như thế nào trong thẩm quyền của TP. Đấy là nền tảng cho tín dụng xanh và tiếp nhận tín dụng xanh”, ông Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị Quyết 98/2023 nêu ý kiến. Mặc dù hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn cho vay tín dụng xanh, nhưng để tạo “cú hích”, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có một định chế tài chính quốc gia, đảm nhiệm sự chuyển động của tài chính xanh thì mới có hiệu quả, kích thích tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Nguyễn Quang, nguồn: https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-xanh-doanh-nghiep-gian-nan-di-tim-von-post1049496.vov, ngày 30/9/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>