Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023

25/09/2023

Vừa qua, phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tập trung vào dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023.
 


TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng
Ngân hàng BIDV. Ảnh: Quochoi.vn
TS. Cấn Văn Lực cho biết, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và hạn chế, trong đó rủi ro và thách thức từ bối cảnh quốc tế vẫn hiện hữu và có thể kéo dài; hoạt động thương mại quốc tế còn khó khăn, còn giảm dù mức giảm đã chậm lại… Trong 8 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng (dù chậm hơn) và là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh khu vực công nghiệp và xây dựng còn khó khăn. Khu vực công nghiệp và xây dựng gặp nhiều khó khăn từ quý III năm 2022 nhưng đã có nhiều tín hiệu phục hồi từ cuối quý II năm 2023.
Theo TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 – 5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 – 4,5%. Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) tăng trưởng có thể đạt 5,5 – 6%. Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.
TS. Cấn Văn Lực dẫn số liệu của các tổ chức nghiên cứu uy tín cho thấy, kinh tế số ngày càng trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN (trung bình 28,5%/năm) trong giai đoạn 2016 – 2022. Với quy mô 23 tỷ USD năm 2023, đóng góp của kinh tế số vào GDP khoảng 6,3%, tăng 28% so với năm 2021. Trong giai đoạn 2023 – 2025, cùng với việc hoàn thiện môi trường pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu, dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất trong giai đoạn 2023 – 2025, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam, thúc đẩy năng suất lao động, tăng tính hiệu quả và bền vững.
Để phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, đạt mục tiêu chiến lược đã đề ra, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia cùng với chuyển đổi số sẽ góp phần tăng đóng góp của TFP vào tăng trưởng. TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Xây dựng đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và DN Việt Nam. Chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, DN vì đây vừa là tài sản quý giá, vừa là cơ sở ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức và giám sát thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.

Phúc Nguyễn, nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-bao-toc-do-tang-truong-kinh-te-nam-2023-353316.html, ngày 22/9/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>