Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Để hàng Việt đàng hoàng vào Hoa Kỳ

20/01/2023

 Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ lên tới trên 100 tỉ USD nhưng đây lại là thị trường khởi xướng các vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng Việt Nam. Tại sao Hoa Kỳ gia tăng các hoạt động điều tra và làm thế nào để hàng Việt ứng phó tốt hơn, gia tăng hơn nữa xuất khẩu vào thị trường này?


Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết đến tháng 12/2022, Hoa Kỳ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam với 52 vụ việc (chiếm khoảng 22,5%). Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, gỗ, thủy sản, dệt may, lốp xe, đến các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, đệm mút, túi dệt. Đáng chú ý, gần đây các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ có xu hướng gia tăng khi nước này sửa đổi quy định liên quan. Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bị điều tra như pin năng lượng mặt trời (1,4 tỉ USD), tủ gỗ (2,7 tỉ USD).

Sản xuất săm lốp ô tô tại nhà máy của
Công ty CP Cao su Đà Nẵng.
 Ảnh: Tấn Lực
Không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ
Về việc hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ bị điều tra ngày càng nhiều, đặc biệt là điều tra chống lẩn tránh thuế, ông Lê Triệu Dũng cho biết, một số ngành hàng của Việt Nam gần đây có sự gia tăng xuất khẩu nhanh chóng. Điển hình là những mặt hàng đang là đối tượng bị áp thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ có liên quan tới nước thứ ba. Khi đó hàng Việt sẽ bị nghi ngờ điều tra chống lẩn tránh (điều tra về một mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị nghi ngờ có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, có thể được nhập khẩu từ một nước thứ ba vào Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ để lẫn tránh thuế). Điều này có nghĩa nước sở tại nghi ngờ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam (chưa đạt được hàm lượng giá trị gia tăng về tỉ lệ nội địa hóa được tạo ra ở Việt Nam). Trong khi đó, việc xác định thế nào là “chuyển đổi đáng kể” để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn sản xuất là một vấn đề phức tạp. Điều này tùy thuộc vào từng mặt hàng cụ thể và theo quy định của mỗi quốc gia nhập khẩu có thể khác nhau. Đến nay các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chiếm nhiều nhất. Vì vậy, ông Dũng khuyến nghị doanh nghiệp (DN) không nên tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Vì thực tiễn cho thấy nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp DN sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.
Về hàng hóa Việt Nam sẽ đối diện với những nguy cơ ra sao khi Hoa Kỳ thay đổi quy định để thuận lợi hơn trong điều tra, ông Dũng chia sẻ, tháng 9/2021, Cơ quan thực thi và tuân thủ thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo sửa đổi một số nội dung trong quy định pháp luật về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Những quy định này được luật hóa từ thực tiễn, quy trình điều tra chống lẫn tránh. Đây được xem là lần điều chỉnh chính sách đáng kể nhất của chính quyền Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại trong 20 năm qua. Việc sửa đổi quy định giúp tăng tính minh bạch, nhà xuất khẩu có thêm tiếng nói từ các nhóm nhà nhập khẩu, người tiêu dùng có cùng lợi ích. Đơn cử, trước sức ép trong nước, Hoa Kỳ đang xem xét miễn thuế chống lẩn tránh 24 tháng đối với tấm pin năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Tuy vậy, nguy cơ đó là việc gia tăng các vụ việc điều tra, xem xét phạm vi sản phẩm và điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai. Quy định sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn có thể gây khó khăn nhất định.
Thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm
Về khuyến nghị gì cho DN để chủ động tận dụng cơ hội xuất khẩu, tránh được các vụ kiện, hoặc có ứng phó tốt hơn nếu bị điều tra, ông Dũng cho biết, từ thực tế cho thấy công tác ứng phó, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng xuất khẩu của Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bên. Tháng 10/2021, Thủ tướng đã phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Nhiều nội dung quan trọng như hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức, năng lực về phòng vệ thương mại, củng cố cơ chế phối hợp các bên và sử dụng hiệu quả các quy định phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy vậy, DN cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu. Thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Cục Phòng vệ thương mại để đề ra các chiến lược cho từng giai đoạn. Thiết lập các kênh thông tin với các đối tác, các hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh. Nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá. Có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.
Đồng thời, các DN cần triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh khi bị điều tra. DN cũng cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường. Đặc biệt lưu ý với các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hoặc đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các DN cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận, lẩn tránh. Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Trường hợp bị điều tra phòng vệ thương mại, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ các vụ việc, Bộ Công Thương mong muốn DN phối hợp đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai nhiều hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, cung cấp thông tin, kịch bản ứng phó trên trang thông tin điện tử. Đồng thời, trực tiếp cung cấp thông tin để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam. Bộ Công Thương mong DN chủ động tiếp nhận thông tin và phối hợp với cục để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Ngọc An, nguồn: https://tuoitre.vn/de-hang-viet-dang-hoang-vao-my-20230114095014196.htm, ngày 14/01/2023 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>