Giới đầu tư toàn cầu đã đón nhận một thông tin đó là Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã chính thức cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % lần đầu tiên sau 4 năm. Mức giảm này tuy cũng vẫn nằm trong mức dự báo của thị trường trước đó, nhưng là mức giảm nhận được ít khả năng hơn. Hầu hết đều cho rằng FED sẽ chỉ giảm 0,25 điểm %. Ông Jerome Powell – Chủ tịch FED đã lập tức trấn an thị trường rằng nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn vững vàng, và không có dấu hiệu suy thoái. Mức cắt giảm sâu hơn dự đoán là vì lạm phát thực sự đã tiến vào vùng mục tiêu mong muốn, và cũng là mức cắt giảm phù hợp để có một cú hạ cánh mềm cho nền kinh tế. Tất nhiên, FED là tổ chức kinh tế quyền lực nhất trên thế giới. Vì vậy, một quyết định lãi suất quan trọng như của đêm qua đã ngay lập tức có tác động sâu rộng tới thị trường chứng khoán toàn cầu.
Trong phiên giao dịch diễn ra chiều nay giờ Việt Nam, chứng khoán khu vực châu Âu ghi nhận mức tăng điểm đáng kể ở hầu hết các chỉ số quan trọng trong khu vực. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 1,3% vào lúc 12:15 chiều theo giờ London. Tất cả các sàn giao dịch chứng khoán lớn và hầu như tất cả các lĩnh vực đều giao dịch trong sắc xanh, với cổ phiếu ngành khai thác khoáng sản tăng 3,75%. Cổ phiếu bán lẻ tăng 1,62%, dẫn đầu là mức tăng của nhà bán lẻ Anh Next từng có lúc tăng tới 5,8%, trước khi đà tăng này bị thu hẹp.
Các ngân hàng Trung ương lớn của châu Âu giữ nguyên lãi suất cơ bản
Trước động thái FED hạ lãi suất 0,5 điểm % thì một số ngân hàng lớn của châu Âu vẫn giữ nguyên lãi suất. Trong khi FED hạ lãi suất thì một số ngân hàng lớn khác không hạ lãi suất cơ bản, mà quyết định giữ nguyên. Cụ thể trong cuộc họp kết thúc chiều nay, ngân hàng trung ương Anh BOE đã giữ nguyên mức lãi suất 5% theo đúng dự báo vì lạm phát vẫn ở mức cao. Trong khi đó, cũng trong chiều nay, ngân hàng Trung ương Na Uy đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,5% – mức cao nhất trong vòng 16 năm qua. Ngân hàng Trung ương này cũng tuyên bố sẽ chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản vào đầu năm sau. Quay trở lại với thị trường châu Á Thái Bình Dương, sau phiên giao dịch buổi sáng có phần thận trọng, thì kết thúc phiên chiều 19/9 các chỉ số đồng loạt khởi sắc.
Chứng khoán châu Á tăng điểm
Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn dẫn đầu đà tăng trong khu vực với mức tăng hơn 2% chốt phiên. Chỉ số Hang Seng của sàn Hongkong Trung Quốc cũng tăng 2,17% trong giờ giao dịch cuối cùng. Cũng trong ngày 19/9, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ cũng bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày và sẽ kết thúc vào ngày 20/9 – nơi các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này sẽ đưa ra quyết định quan trọng về lãi suất. Đồng Yen tăng giá nhẹ lên 142,18 đồng Yen đổi 1 USD trong phiên giao dịch buổi chiều.
Tác động quyết định hạ lãi suất của FED lên các thị trường
Với quy mô khổng lồ của nền kinh tế Hoa Kỳ, thì những động thái của FED không chỉ ảnh hưởng đến nước Hoa Kỳ mà sẽ là nhiều thị trường, nhiều lĩnh vực trên toàn cầu. Các chuyên gia nói gì về những ảnh hưởng mà quyết định hạ lãi suất lần này mang đến cho nền kinh tế nói chung, hay là các thị trường tài chính, tiền tệ nói riêng. Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất cả trước và sau quyết định của FED, đó là vì sao cơ quan này lại chọn mức tăng 0,5 điểm phần trăm, hay 50 điểm cơ bản dù kinh tế vẫn đang tích cực. Theo một số chuyên gia, đây có vẻ là một sự “đề phòng xa” của FED với các nguy cơ tương lai.
Việc FED cắt giảm lãi suất đã tác động
lên thị trường tài chính toàn cầu
Ông Ben Ayers – Chuyên gia kinh tế, Hãng bảo hiểm Nationwide cho biết: “Thị trường đã tranh cãi rất nhiều về việc mức giảm 25 hay 50 điểm cơ bản là hợp lý, khi có nhiều yếu tố cho thấy nền kinh tế vẫn trong tình trạng tốt. Tôi cho rằng, FED nhìn nhận con số 50 điểm cơ bản là một biện pháp dự phòng, chống đỡ cho nền kinh tế nếu nguy cơ suy thoái quay lại vào năm sau. Đó cũng là bước chuyển của FED từ việc thắt chặt tiền tệ sang một chính sách trung lập hơn”. Dù vậy, các chuyên gia cũng có 1 nhận định chung, đó là dù như thế nào thì các doanh nghiệp và nền kinh tế số 1 thế giới sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng tiền tệ, kể cả các công ty vừa và nhỏ lẫn những ông lớn công nghệ.
TS. Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Anh cho hay: “Những ngành được hỗ trợ, tức là khi kinh tế đi xuống thì nó gặp khó khăn, nếu FED cắt giảm lãi suất đủ lớn thì những ngành đó sẽ được hỗ trợ”. “Các cổ phiếu công nghệ AI đang tăng giá rất mạnh, ví dụ như Nvidia trong năm nay tăng 100%. Cá nhân tôi nghĩ nó vẫn sẽ tiếp tục duy trì nhích dần lên nếu như nước Hoa Kỳ không bước vào suy thoái, thì không có lý do gì để lợi nhuận của họ lại bị ảnh hưởng”, ông Hoàng Tùng – Chuyên gia tài chính quốc tế cho hay. Không chỉ với lĩnh vực chứng khoán, thị trường tiền tệ cũng sẽ có nhiều biến động từ bước đi của FED. Thực tế ngay từ trước cuộc họp tháng 9, nhiều đồng tiền như đồng Yen đã bắt đầu lên giá so với đồng bạc xanh khi triển vọng FED hạ lãi suất dần trở nên rõ ràng hơn.
Ông Hoàng Tùng – Chuyên gia tài chính quốc tế cho hay: “Chỉ số của đồng USD/đồng Yen giảm đi, đồng Yen đã mạnh dần lên, nếu USD tiếp tục hạ thêm như các kịch bản được đưa ra khoảng 0,5% trong năm nay và năm sau tiếp tục hạ thêm nữa. Cá nhân tôi đánh giá là đồng Yen sẽ tiếp tục mạnh lên và nó cũng sẽ rất tốt cho những người đang đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản”. Các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng ảnh hưởng từ việc FED hạ lãi suất hạ và đồng bạc xanh yếu đi. Khi áp lực tỷ giá bớt căng thẳng, các nền kinh tế mới nổi có thể chờ đợi cơ hội từ việc các quỹ đầu tư đưa dòng vốn quốc tế quay trở lại, tạo ra động lực tích cực cho nền kinh tế. “Trong vài tháng trở lại đây, áp lực tỷ giá hiện đã giảm bớt rất nhiều, và theo cá nhân tôi, đồng USD khó có thể quay lại mức cao như trước, có thể suy yếu tiếp hoặc giữ nguyên. Có nghĩa là áp lực lên tỷ giá của Việt Nam nó đã thấp đi rất nhiều”, ông Hoàng Tùng – Chuyên gia tài chính quốc tế chia sẻ.
VTV Digital, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/tac-dong-tu-quyet-dinh-ha-lai-suat-cua-fed-20240919233851372.htm, ngày 20/9/2024 (TN trích dẫn)