Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực

13/06/2022

Triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sáng sủa hơn với cổ phiếu công nghệ tăng và thông tin thương mại mạnh mẽ trong tuần này. 


 

Theo đó, một số dấu hiệu đầu tiên cho thấy cơn ác mộng về chính sách quản lý đối với các công ty công nghệ có thể sắp kết thúc. Đầu tuần này, Wall Street Journal đưa tin rằng việc xem xét an ninh mạng của Bắc Kinh đối với ứng dụng gọi xe Didi sắp khép lại.

Động thái trên sẽ cho phép gã khổng lồ gọi xe xuất hiện trở lại trên các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc đại lục, gần một năm sau khi Didi bị loại bỏ vì vi phạm quyền riêng tư dữ liệu. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu Didi đã tăng 24% vào ngày 06/6/2022. Một số thông tin khác trong tuần này cũng báo hiệu giới chức Trung Quốc nới sức ép với ngành công nghệ. Ngày 09/6, Bloomberg và Reuters cho hay các nhà quản lý đã bắt đầu thảo luận giai đoạn đầu về khả năng hồi sinh việc phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO) cho Ant Group. Công ty dự định nộp bản cáo bạch sơ bộ cho đợt IPO sớm nhất là vào tháng tới.
Tuy nhiên, phản hồi về thông tin, Ant Group cho biết “hiện không có bất kỳ kế hoạch nào để tiến hành IPO”. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng nói họ chưa tiến hành bất kỳ công việc nào liên quan đến việc này. Dù vậy, cổ phiếu của Alibaba vẫn tăng 18% trong tuần này trên Phố Wall. Tại Hong Kong, cổ phiếu công ty tăng 5 phiên liên tiếp và tăng 22% trong tuần này – mức hiệu suất hàng tuần tốt nhất kể từ khi Alibaba niêm yết thứ cấp vào năm 2019.
Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực công nghệ những tuần gần đây. Các nhà quản lý nói rằng họ sẽ tạo điều kiện cho việc niêm yết các công ty công nghệ ở nước ngoài. Ngày 07/6, chính quyền cũng đã cấp 60 giấy phép trò chơi mới sau thời gian đóng băng kéo dài nhiều tháng. Cổ phiếu Tencent, hãng game lớn nhất Trung Quốc, tăng hơn 6% sau tin tức này. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Hang Seng, theo dõi 30 cổ phiếu công nghệ lớn nhất của Trung Quốc tại Hong Kong, tăng 10% trong tuần.
Một góc cảng Thượng Hải. Ảnh: Caixin
Tín hiệu thứ hai là Trung Quốc đã công bố dữ liệu thương mại mạnh mẽ trong tháng 5. Theo đó, xuất khẩu tăng 16,9% so với cùng kỳ 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 3,9% của tháng 4. Nhập khẩu tăng lần đầu tiên sau ba tháng. “Sự gia tăng cả xuất khẩu và nhập khẩu chủ yếu là do cảng Thượng Hải, cảng lớn nhất của Trung Quốc, mở cửa trở lại vào tuần cuối cùng của tháng 5”, bà Iris Pang, Nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc đại lục tại ING Group, lý giải. Công ty dữ liệu vận tải VesselsValue cho biết ùn tắc tại cảng Thượng Hải gần như “trở lại bình thường” vào đầu tuần này. Thời gian chờ đợi trung bình hiện đã rút ngắn xuống còn 28 giờ, so với 66 giờ vào cuối tháng 4.
Ngày 08/6, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vận chuyển và hậu cần thông suốt, bảo vệ chuỗi cung ứng. Ông nói Trung Quốc sẽ cố gắng đạt được mức tăng trưởng hợp lý trong quý II, và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuần trước, Chính phủ đã công bố gói 33 biện pháp kích thích mới, bao gồm hàng chục tỷ USD cắt giảm thuế bổ sung và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Dù có các tín hiệu tích cực, các nhà phân tích vẫn đánh giá thận trọng
Đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rủi ro lạm phát đi kèm suy thoái đang gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Họ dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 5,7% vào năm 2021 xuống 2,9% năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% được dự đoán vào tháng 1. Trong khi đó, lạm phát toàn cầu nhiều khả năng vẫn ở trên mục tiêu của nhiều nền kinh tế. Các nhà phân tích của HSBC cho rằng, việc Bắc Kinh thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản sẽ làm tăng nhập khẩu hàng hóa, làm gia tăng vấn đề lạm phát của nước này. “Khi giá hàng hóa tiếp tục tăng cao, những mặt hàng nhập khẩu này sẽ gây tốn kém cho Trung Quốc”, phân tích của HSBC nêu.
Việc Trung Quốc duy trì chính sách cứng rắn với COVID cũng được giới chuyên gia cho là một rủi ro đáng kể. Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết vào ngày 08/6 rằng đất nước phải kiên định “kiên quyết” với chiến lược “ZERO COVID-19”, song song việc thúc giục các quan chức thúc đẩy nền kinh tế. Ngày càng nhiều khu dân cư ở Thượng Hải phải đối mặt với một đợt phong tỏa mới vào cuối tuần này, khi các nhà chức trách tiến hành xét nghiệm hàng loạt sau khi các hạn chế được nới lỏng gần đây. Tại Bắc Kinh, quận lớn nhất là Triều Dương ngày 09/6 thông báo đóng cửa tất cả địa điểm vui chơi giải trí, chỉ vài ngày sau khi cho phép mở cửa trở lại.
Ông Jeffrey Halley, Nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda cho rằng các thị trường đã ngây thơ nghĩ rằng Trung Quốc chỉ phong tỏa Bắc Kinh, Thượng Hải một lần. “Khả năng mở rộng các hạn chế trở lại vẫn có, kéo theo là sụt giảm hoạt động kinh tế sau đó vẫn tồn tại”, ông nói. Đánh giá chung, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để phục hồi niềm tin của nhà đầu tư và một số rủi ro lớn vẫn chưa biến mất. “Sẽ mất thời gian để khắc phục niềm tin kinh doanh và việc bán tháo tài sản của Trung Quốc có thể tiếp tục nếu dữ liệu lại gây thất vọng”, ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á của Ngân hàng Mizuho Bank, đánh giá.
Phiên An, nguồn: https://vnexpress.net/kinh-te-trung-quoc-co-tin-hieu-tich-cuc-4474721.html, ngày 10/6/2022 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>