Người dân mua sắm tại một siêu thị
ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Sau tuyên bố hồi tháng 3/2024 về định hướng tài chính cho năm 2025, nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), Eurogroup, đã thảo luận về tình hình kinh tế và ngân sách trong khu vực cũng như lập trường chính sách tài khóa cho năm 2025. Theo Chủ tịch Eurogroup, ông Paschal Donohoe, việc từng bước củng cố tài chính là cần thiết ở Eurozone trong tương lai. Điều này cho thấy tất cả các bộ trưởng đều ý thức rằng việc cải thiện chất lượng chi tiêu công và bảo đảm đầu tư sẽ rất quan trọng trong quá trình giảm thiểu mọi tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Tại cuộc họp vào ngày 15/7, Eurogroup đã thông qua tuyên bố về quan điểm tài chính của khu vực vào năm 2025 trước khi chuẩn bị ngân sách quốc gia cho năm tới. Theo các bộ trưởng, các điều kiện để tăng tốc dần hoạt động kinh tế trong năm 2024 và 2025 vẫn được duy trì ở Eurozone. Dựa trên dự báo mùa Xuân của Ủy ban châu Âu (EC), tiêu dùng đang nổi lên như một động lực tăng trưởng chính, nhờ lạm phát tiếp tục giảm tốc và thị trường lao động kiên cường. Hoạt động đầu tư dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện các điều kiện tín dụng và việc tiếp tục triển khai Kế hoạch Phục hồi và Chống đỡ quốc gia. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế vẫn có thể xấu đi trong bối cảnh tình hình bên ngoài vẫn còn nhiều thách thức.
Lập trường chính sách tài chính ở Eurozone đã chuyển sang trung lập vào năm 2023, sau giai đoạn thực hiện chính sách mang tính hỗ trợ rộng rãi trong giai đoạn 2020 – 2022, khi việc giải quyết các tác động tiêu cực của những cú sốc kinh tế lớn và bảo vệ các nước dễ bị tổn thương nhất là rất quan trọng. Các diễn biến tài chính giữa các quốc gia trong những năm gần đây có những khác biệt, trong một số trường hợp dẫn đến sự yếu kém của tài chính công. Theo dự báo mới nhất của EC và phù hợp với quan điểm của Eurogroup được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, lập trường tài chính chuyển sang thu hẹp vào năm 2024, cũng như các biện pháp hỗ trợ năng lượng đang được dỡ bỏ. Đồng thời, đầu tư dự kiến sẽ được bảo toàn, trái ngược với những diễn biến sau cuộc khủng hoảng tài chính. Vào năm 2025, thâm hụt ngân sách ở Eurozone được cho là sẽ giảm xuống còn 2,8% GDP. Nợ công trong khu vực được dự báo ở mức khoảng 90% GDP trong giai đoạn 2023 – 2025.
Việc củng cố tài chính từng bước và bền vững ở Eurozone tiếp tục là cần thiết trong thời gian tới, do yêu cầu giảm mức thâm hụt ngân sách và nợ cao. Điều này cần được thực hiện theo cách giảm thiểu tác động đến tăng trưởng, đồng thời tiếp tục nâng cao năng suất và duy trì hoặc tăng cường đầu tư, vốn vẫn là điều cần thiết cho một nền kinh tế cạnh tranh, năng động và kiên cường. Các bộ trưởng cam kết tăng cường nỗ lực nâng cao hiệu quả, chất lượng và cơ cấu chi tiêu công.
Sau khi khuôn khổ quản trị kinh tế sửa đổi có hiệu lực vào ngày 30/4/2024, Eurozone cần đảm bảo việc thực hiện khuôn khổ này nhanh chóng và nhất quán, nhằm thúc đẩy tài chính công lành mạnh và bền vững, tăng trưởng bền vững và toàn diện cũng như khả năng phục hồi thông qua cải cách và đầu tư cũng như ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách quá mức. Khu vực hiện đang chuẩn bị các kế hoạch cơ cấu tài chính trung hạn quốc gia phù hợp với khuôn khổ sửa đổi, dựa trên hướng dẫn của EC. Các kế hoạch, dự kiến được đệ trình vào mùa Thu năm 2024, sẽ được EC đánh giá và phải được Hội đồng châu Âu thông qua.
Các kế hoạch này tích hợp các lộ trình chi tiêu ròng của từng quốc gia cụ thể với một loạt cải cách và đầu tư đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Nếu có thể, các kế hoạch được Hội đồng châu Âu thông qua sẽ đảm bảo tính nhất quán với Thủ tục kỷ luật do thâm hụt quá mức. Quá trình dự thảo kế hoạch ngân sách sẽ tiếp tục góp phần điều phối các chính sách kinh tế trong khu vực. Các chính sách tài chính quốc gia sẽ tuân thủ các yêu cầu của khuôn khổ sửa đổi bắt đầu từ ngân sách năm 2025. Việc thực hiện khuôn khổ quản trị kinh tế sửa đổi dự kiến sẽ dẫn đến lập trường chính sách tài chính thu hẹp đối với toàn bộ khu vực vào năm 2025. Điều này phù hợp với triển vọng kinh tế vĩ mô, yêu cầu tiếp tục nâng cao tính bền vững về tài chính và hỗ trợ các nỗ lực hạ nhiệt lạm phát. Khuôn khổ này cho phép các chính sách tài khóa giải quyết các yếu tố không chắc chắn. Eurogroup sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế và tài chính, đồng thời tăng cường phối hợp chính sách. Các bộ trưởng sẽ xem xét các chính sách ngân sách của Eurozone vào tháng 12 tới, dựa trên ý kiến của EC về dự thảo kế hoạch ngân sách cho năm 2025.
Trong phát biểu trước cuộc họp của Eurogroup, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), Paolo Gentiloni, cho rằng Pháp và 6 nước khác trong khối có mức thâm hụt ngân sách trên 3% GDP là Bỉ, Italy, Hungary, Malta, Ba Lan và Slovakia cần có sự điều chỉnh trong chính sách tài khóa. Pháp chịu sức ép từ EU trong việc đưa thâm hụt ngân sách về tuân thủ các quy định của khối là dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Thâm hụt ngân sách của nước này hiện tương đương 5,5% GDP và nợ công ở mức 110% GDP. Triển vọng Pháp hạ thâm hụt ngân sách và nợ công trở nên không chắc chắn khi liên minh cánh tả với yêu cầu tăng mạnh chi tiêu công đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử theo kêu gọi của Tổng thống Emmanuel Macron.
Trong tháng trước, EC cho biết sẽ đề xuất Thủ tục kỷ luật do thâm hụt quá mức đối với Pháp và 6 nước nêu trên. Thủ tục này yêu cầu các nước thực hiện các biện pháp để tuân thủ quy định và ban đầu dự kiến được chính thức đưa ra tại cuộc họp của Eurogroup, nhưng được đẩy lùi muộn hơn trong tháng này do các vấn đề mang tính kỹ thuật. Các quan chức EU dự kiến thông qua thủ tục này vào ngày 24/7 và phê chuẩn chính thức hai ngày sau đó.