Kêu gọi WTO tháo gỡ các rào cản phi thuế quan
Tại cuộc họp không chính thức cấp Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Piyush Goyal – Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã lên tiếng kêu gọi tổ chức này sớm hành động để giải quyết các rào cản phi thuế quan đang bóp méo thương mại toàn cầu và khôi phục cơ chế giải quyết tranh chấp mạnh mẽ, công bằng và hiệu quả. Cuộc họp do Australia chủ trì, diễn ra bên lề Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Paris, được xem là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 14, dự kiến tổ chức tại Cameroon vào tháng 3/2026. Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cũng có mặt tại cuộc thảo luận.
Phát biểu trước đại diện của khoảng 25 quốc gia thành viên WTO, trong đó có Australia, Singapore, Pháp và Nigeria, ông Goyal nhấn mạnh một số nền kinh tế đang lợi dụng các biện pháp phi thuế để hạn chế quyền tiếp cận thị trường của các quốc gia khác, qua đó làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương vốn dựa trên luật lệ. Trên cơ sở đó ông Goyal kêu gọi phải có hành động rõ ràng và dứt khoát nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các biện pháp phi thuế, xử lý các hành vi thao túng từ các nền kinh tế phi thị trường, và trên hết là phục hồi đầy đủ chức năng của cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO – vốn là nền tảng của trật tự thương mại quốc tế dựa trên pháp quyền.
Cảng hàng hóa ở Thiruvananthapuram, Ấn Độ.
Ảnh: ANI/TTXVN
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO gần như tê liệt kể từ năm 2009 do sự đình trệ trong việc bổ nhiệm các thành viên Cơ quan Phúc thẩm, đặc biệt dưới sức ép của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh này, Ấn Độ tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu khẩn thiết phải khôi phục hệ thống hai cấp vốn đảm bảo tính ràng buộc và công bằng trong xử lý tranh chấp thương mại giữa các quốc gia. Bộ trưởng Goyal cũng kêu gọi WTO giữ vững nguyên tắc đồng thuận trong hoạch định chính sách, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nước đang phát triển và kém phát triển thông qua chế độ “đối xử đặc biệt và khác biệt”. Ông nhấn mạnh WTO cần tập trung giải quyết các vấn đề đã được thống nhất từ các hội nghị trước, thay vì mở rộng sang những lĩnh vực gây chia rẽ mới.
Đề cập đến sáng kiến tạo thuận lợi đầu tư do Trung Quốc dẫn đầu, ông Goyal khẳng định đây là vấn đề nằm ngoài phạm vi cốt lõi của WTO và không nên đưa vào chương trình nghị sự. Kết thúc phát biểu, ông Goyal bác bỏ quan điểm cho rằng WTO đang rơi vào “khủng hoảng’’ nhưng ông thừa nhận tổ chức đang đối mặt với những thử thách lớn. Phát biểu của Bộ trưởng Goyal cho thấy quyết tâm của Ấn Độ trong việc bảo vệ một hệ thống thương mại toàn cầu công bằng, minh bạch và có trách nhiệm. Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phức tạp, vai trò trung tâm của WTO càng trở nên cấp thiết, không chỉ để giải quyết tranh chấp mà còn để khôi phục niềm tin vào chủ nghĩa đa phương.
Áp thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, EU
Chính phủ Ấn Độ vừa ban hành loạt biện pháp thuế chống bán phá giá mới đối với một số mặt hàng nhập khẩu chiến lược, bao gồm vitamin A Palmitate và hóa chất cao su Sulphur không hòa tan, có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sỹ và Liên minh châu Âu (EU). Động thái này nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu giá rẻ. Theo thông báo của Bộ Tài chính Ấn Độ, quyết định được đưa ra dựa trên khuyến nghị của Cục Giải quyết Tranh chấp Thương mại (DGTR), sau khi tiến hành điều tra và xác định rằng các sản phẩm nhập khẩu nói trên đã gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, thuế chống bán phá giá lên tới 20,87 USD/kg sẽ được áp dụng đối với vitamin A Palmitate nhập khẩu từ Trung Quốc, EU và Thụy Sỹ. Loại vitamin này là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng và thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, mặt hàng Sulphur không hòa tan – một hợp chất thiết yếu trong sản xuất lốp xe và các sản phẩm cao su công nghiệp – cũng sẽ chịu mức thuế tương tự nếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản. Các mức thuế nói trên sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm, với mục tiêu tái lập môi trường cạnh tranh công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phục hồi năng lực sản xuất. Đây là một phần trong chiến lược thương mại bảo vệ ngành công nghiệp trong nước khỏi tác động tiêu cực của các hành vi bán phá giá và nhập khẩu không lành mạnh.
Giới phân tích nhận định động thái này phù hợp với xu hướng toàn cầu, khi nhiều quốc gia đang siết chặt chính sách thương mại nhằm giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, đồng thời thúc đẩy tự lực sản xuất trong các lĩnh vực chiến lược. Đối với Ấn Độ, đây cũng là bước đi phù hợp với định hướng “Aatmanirbhar Bharat” – xây dựng một nền kinh tế tự cường. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư đổi mới công nghệ, và đóng góp ổn định vào tăng trưởng kinh tế quốc gia trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang biến động.