Tin tức

Hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững

11/09/2023

Ngày 05/9/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 6124/BNN-LN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đẩy nhanh tiến độ, tăng diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng. 


Theo đó, để sớm hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là tổ chức và đẩy nhanh tiến độ, tăng diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 và đạt mục tiêu đến năm 2030, 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:
Về thực hiện quản lý rừng bền vững
Yêu cầu chung là toàn bộ diện tích rừng của chủ rừng là tổ chức tại các địa phương phải được quản lý theo phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Hoàn thành dứt điểm việc xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là tổ chức, trong đó: (i) Tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức tại địa phương hoàn thành dứt điểm việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trước ngày 31/12/2024; Phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là cơ sở để tích hợp các loại rừng vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh; là căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đối với các chủ rừng có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước; là hồ sơ quan trọng để truy xuất nguồn gốc gỗ, phục vụ thiết thực cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản,…vv. (ii) Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các chủ rừng, đặc biệt chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết hình thành nhóm hộ xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Về chứng chỉ quản lý rừng bền vững
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại địa phương theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và điều kiện hoạt động của các Tổ chức này theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ, tăng diện tích rừng trồng sản xuất tại địa phương được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Việt Nam đã xây dựng và vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS), được Tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận đáp ứng các yêu cầu chứng chỉ rừng quốc tế theo Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC ST 1003:2019), có giá trị tương đương với hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế khác. Đồng thời, công nhận Hệ thống chứng chỉ rừng FSC được phép hoạt động tại nước ta.
Về nguyên tắc, chủ rừng tự nguyện lựa chọn Hệ thống chứng chỉ rừng để đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường gỗ, sản phẩm gỗ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển thương hiệu, khẳng định thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia trên thị trường và giảm chi phí cho các chủ rừng trong việc thuê tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nội dung sau: (i) Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu đến các chủ rừng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản, các đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia Việt Nam liên kết với Tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế để tổ chức cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Bộ tiêu chuẩn VFCS/PEFC nêu trên. (ii) Chủ động bố trí nguồn vốn theo quy định của pháp luật, cùng với các chương trình, dự án về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hoặc nguồn vốn ODA để ưu tiên hỗ trợ các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ, tăng diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng, đặc biệt ưu tiên, hỗ trợ các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã hoặc nhóm hộ. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, sử dụng trái phép chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật có liên quan.

Trịnh Minh, nguồn: https://www.kontum.gov.vn/pages/detail/48593/Hoan-thanh-xay-dung-phuong-an-quan-ly-rung-ben-vung.html, ngày 07/9/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>