Tránh giao kế hoạch sản lượng có sự chênh lệch
Ông Nguyễn Duy Chinh – Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Cao su Phú Riềng, chia sẻ, các năm trước, công tác xây dựng và giao kế hoạch sản lượng (KHSL) hàng năm luôn được lãnh đạo công ty và Tổ xây dựng kế hoạch sản lượng (KHSL), trong đó, Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp đóng vai trò là đơn vị tham mưu chính chú trọng triển khai thực hiện. Năm 2023, việc thực hiện KHSL của các đơn vị còn có sự chênh lệch. Sau khi rà soát vẫn còn những điểm bất cập theo cơ cấu vườn cây, tuổi cạo, giống, hạng đất… khi giao kế hoạch (KH). Vì vậy, tháng 11/2023, sau khi nghiên cứu Tổ xây dựng KHSL đã lựa chọn đổi mới phương pháp giao KHSL bằng cách tính toán lấy năng suất vườn cây và hệ số gia tăng năng suất bình quân trong 5 năm theo đối tượng đồng dạng về tuổi cạo, giống, hạng đất, loại đất, chế độ cạo để xây dựng và giao KHSL cho các đơn vị.
Công nhân Cao su Phú Riềng trên vườn cây khai thác.
Ảnh: Vũ Phong
Việc giao KHSL năm 2023, mặc dù phù hợp với tổng sản lượng đạt được của công ty nhưng chưa phù hợp đối với từng nông trường (NT), do sử dụng dữ liệu năng suất của riêng năm 2022 và hệ số tăng giảm năng suất theo tuổi cạo năm 2022 so với năm 2021 chưa đảm bảo tính khách quan, độ ổn định của chu kỳ dữ liệu. Việc chia nhóm vườn cây theo nhóm giống: 3 nhóm giống đại diện như RRIV 124, nhóm giống tương đồng có năng suất thấp (RRIV 2, RRIV 3, RRIV 5, RRIV 114, RRIV 107, RRIC 121) còn lại các giống khác được đưa vào một nhóm dẫn đến không phản ánh chi tiết năng suất của từng giống và dẫn đến biến động rất lớn giữa các đơn vị do tính đặc thù cơ cấu giống, tuổi cạo, hạng đất, loại đất của từng đơn vị.Việc giao KHSL năm 2023 chưa xét đầy đủ đến các yếu tố loại đất, hạng đất. Ngoài ra, việc giao KHSL năm 2023 chưa phù hợp còn do việc sử dụng hệ số điều chỉnh năng suất tối đa cận trên bằng 120% và cận dưới bằng 85% là quá xa, không đảm bảo chi tiết tới từng nhóm đối tượng vườn cây theo giống, tuổi cạo, hạng đất và loại đất của từng đơn vị.
Chia vườn cây theo năng suất đồng dạng trên cơ sở kết quả đánh giá công tác giao KHSL năm 2023, sau khi thống kê, phân tích, đánh giá, so sánh, tổng hợp dữ liệu về năng suất, sản lượng đạt được của công ty trong giai đoạn từ năm 2017 – 2022, Tổ xây dựng KHSL đã đề xuất và được Hội đồng thẩm định KHSL & Chất lượng mủ và TGĐ công ty chấp thuận cho sử dụng phương pháp giao KHSL năm 2024 bằng phương pháp lấy năng suất bình quân 6 năm từ 2017 – 2022, hệ số tăng giảm năng suất năm sau so với năm trước bình quân trong 5 năm (từ 2018 – 2022) theo giống, tuổi cạo, hạng đất, loại đất, chế độ cạo làm cơ sở chung để giao KHSL. Sau khi tổng hợp, vườn cây được chia thành 190 đối tượng theo năng suất đồng dạng về giống, tuổi cạo, hạng đất, loại đất, hình thức cạo để giao KHSL cho năm 2024 (tính trên năng suất thực, không bao gồm sản lượng gia tăng do cạo thông mùa, chuyển chế độ cạo D4 về D3); nguyên tắc chỉ sử dụng làm năng suất nền giao KH khi dữ liệu đồng dạng có đủ từ 3 năm trở lên.
Đối với vườn cây mở mới, lấy năng suất và hệ số gia tăng năng suất bình quân theo cây cạo trong 6 năm nhân với số cây dự kiến mở cạo cả năm 2024. Đối với vườn cây tận thu, cách tính năng suất bình quân như vườn cây bình thường, năng suất giao cụ thể theo hệ số % đối với từng nhóm đối tượng, giao sản lượng dự kiến đạt được tối đa trong năm nhưng tính đến hàng tháng và sẽ điều chỉnh ngay khi vườn cây cưa cắt xong. Kết quả tính toán, tổng sản lượng dự kiến đạt được tối đa của công ty khi chưa sử dụng các giải pháp kỹ thuật là 23.850 tấn, TGĐ – Chủ tịch Hội đồng thẩm định KHSL và chất lượng mủ công ty đã quyết định giao KHSL pháp lệnh của công ty năm 2024 là 23.500 tấn (vượt 7,8% kế hoạch Tập đoàn giao); giao KH phấn đấu là 24.000 tấn (vượt 10,1% kế hoạch Tập đoàn giao).
Kiểm soát thực hiện KHSL thuận lợi và khách quan
Ông Nguyễn Duy Chinh cho biết, việc sử dụng cơ sở dữ liệu năng suất vườn cây bình quân trong 5 năm đồng dạng về các yếu tố sẽ đảm bảo được tính ổn định của dữ liệu, phản ánh được toàn bộ các yếu tố khách quan tác động đến năng suất hàng năm của vườn cây. Hệ số điều chỉnh và năng suất giao KH sẽ phản ánh được năng suất bình quân của từng đối tượng cụ thể theo tuổi cạo, giống, hạng đất, loại đất, chế độ cạo… Phương pháp giao phản ánh được giá trị lao động quá khứ ở thời điểm hiện tại và trong tương lai Cụ thể đơn vị nào trồng tái canh, chăm sóc vườn cây KTCB tốt, giữ vững quy trình kỹ thuật khai thác, công nhân có tay nghề, kỹ năng lấy mủ thì sẽ thuận lợi trong quá trình thực hiện KHSL và ngược lại. Từ đó tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị. Các đơn vị thực hiện chưa tốt lao động trong quá khứ sẽ phải phấn đấu, điều chỉnh, khắc phục để tăng dần mặt bằng năng suất vườn cây của đơn vị mình. Việc kiểm soát thực hiện KHSL của công ty và đối với từng đơn vị cũng như của từng đơn vị đối với cấp tổ và công nhân sẽ thuận lợi hơn do phương pháp giao về cơ bản đã loại trừ được các yếu tố khách quan tác động đến năng suất vườn cây. “Nhờ vậy, khi giao KHSL theo phương pháp mới, kết quả sẽ phản ánh đúng năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức sản xuất của lãnh đạo từng đơn vị cơ sở, từ đó giúp cho lãnh đạo công ty có các giải pháp quản lý, điều hành phù hợp với tình hình và khả năng thực tế của từng đơn vị” – ông Nguyễn Duy Chinh, nhận định.
Để thực hiện việc giao KHSL theo phương pháp này đòi hỏi trong năm đầu tiên công ty và NT phải có đầy đủ cơ sở dữ liệu năng suất vườn cây trong nhiều năm. Cán bộ chuyên môn thực hiện tổng hợp, phân tích, so sánh, đánh giá dữ liệu phải có trình độ vi tính, kỹ lưỡng, tỉ mỉ, cẩn thận khi xử lý và đặc biệt phải nhập liệu mủ về đúng từng phần cây. Dữ liệu đảm bảo độ chính xác, khách quan, phản ánh đúng năng suất vườn cây thì công tác ghi chép, nhập liệu sản lượng mủ từ cấp tổ đến cấp NT phải thật sự chính xác, kịp thời, nhập đúng sản lượng đạt được hàng ngày của từng công nhân, từng lô cao su. Cấp kiểm tra, đánh giá, quyết định phải am tường về vườn cây, kỹ thuật khai thác để kiểm chứng được mức độ tin tưởng kết quả do chuyên môn đề xuất.