Hoạt động >> Xúc tiến thương mại

Tham dự Toạ đàm Xúc tiến Hợp tác & Đầu tư tại Ấn Độ dành cho Doanh nghiệp & Nhà đầu tư Việt Nam

10/02/2022

Ngày 18/01/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tham dự “Toạ đàm Xúc tiến Hợp tác & Đầu tư tại Ấn Độ dành cho Doanh nghiệp & Nhà đầu tư Việt Nam” do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam (IPCS) đồng tổ chức. 


Tọa đàm cũng có sự tham dự của các đại biểu từ Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương (DPIIT), Bộ Công thương, Chính phủ Ấn Độ; Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng nhiều đại biểu là đại diện của các tổ chức thương mại, và doanh nghiệp/nhà đầu tư Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác Ấn Độ.

Năm 2022 sẽ đánh dấu cột mốc 50 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm qua đã ghi nhận nhiều thành tựu, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng trưởng từ mức 200 triệu USD năm 2000 lên 12,04 tỷ USD vào năm 2019. Với tiềm năng xúc tiến đầu tư giữa hai bên vẫn còn rất lớn, hai quốc gia đang hướng tới mục tiêu đạt tổng kim ngạch thương mại song phương 14 tỷ USD.Tại buổi tọa đàm, Ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và bà Sumita Dawra, Tổng thư ký, Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương (DPIIT), Bộ Công thương, Chính phủ Ấn Độ đã chia sẻ về những chính sách cải cách, cam kết hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ để giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong việc đầu tư vào quốc gia này, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác đến các nhà đầu tư.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã trình bày thế mạnh của thị trường tỷ dân trong nhiều lĩnh vực khác nhau và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Ấn Độ trong các lĩnh vực như hóa chất, dược phẩm, chế biến thực phẩm, điện tử, v.v. Trong giai đoạn cần có những bước tiến, kế hoạch mới nhằm thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, việc mở rộng thị trường và kết nối với các đối tác mới là vô cùng cần thiết với doanh nghiệp; và đây là thời điểm rất thuận lợi để đẩy mạnh giao thương với Ấn Độ, nắm bắt cơ hội từ những chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ nước này.
Buổi tọa đàm còn ghi nhận chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp Việt Nam về những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư tại thị trường Ấn Độ, như sự phát triển của tầng lấp trung lưu với mức thu nhập và sức mua cao; chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài hấp dẫn, đặc biệt là đối với ngành nhựa và hóa chất, vì Ấn Độ đang hướng đến việc trở thành một trung tâm toàn cầu về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn đầu tư vào thị trường Ấn Độ cũng cần phải lưu ý nghiên cứu sự khác biệt về văn hóa, pháp luật tại từng địa phương/cộng đồng; đồng thời chuẩn bị kỹ kiến thức về hệ thống hậu cần, cảng biển, logistics cũng như lưu ý về thời gian luân chuyển, giao nhận hàng hóa tại quốc gia có diện tích lớn như Ấn Độ. Mối quan hệ cá nhân và sự phân hóa giai cấp cũng cần được lưu ý trong quá trình giao tiếp, trao đổi và xử lý vấn đề, mâu thuẫn khi hoạt động tại quốc gia này.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang tổng hợp)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>