Hội nghị đã thu hút được trên 300 đại biểu đến từ nhiều quốc gia cùng tham gia chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn. Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo 5 doanh nghiệp Hội viên tham dự Hội nghị này.
Trong bài phát biểu chào mừng Hội nghị, Tiến sỹ Abdul Aziz S.A. Kadir – Chủ tịch Công ty Confexhub đã chia sẻ ngành công nghiệp toàn cầu đang trải qua cuộc cách mạng công nghệ đột phá trong điện toán, cơ giới hóa, robot và tự động hóa. Sự biến động về nhu cầu do sự gia tăng dân số, đô thị hóa, đồng thời biến động giá cả đã xảy ra phổ biến do kết quả của chu kỳ kinh tế và hàng hóa toàn cầu. Giá cao su thấp đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với các hộ sản xuất nhỏ cũng như các đồn điền. Điều này đã dẫn đến việc các hộ tiểu điền buộc phải tìm kiếm việc làm ở nơi khác để hỗ trợ gia đình như chuyển sang cọ dầu. Tình trạng thiếu lao động lành nghề và không thu hút được thế hệ trẻ tham gia vào lĩnh vực trồng và chế biến cao su. Theo Tiến sỹ, cần phải cải cách, xây dựng và củng cố ngành cao su thiên nhiên. Khuôn khổ “Cao su thiên nhiên 2.0” sẵn sàng biến ngành công nghiệp trở nên hiểu biết hơn về công nghệ và thị trường bằng cách nắm bắt cuộc cách mạng kỹ thuật số, công nghiệp 4.0, thương mại điện tử, Blockchain và công nghệ sinh học trong các quy trình nghiên cứu và vận hành, và được kết nối để phát triển thế hệ cao su tiếp theo và các ứng dụng mới theo định nghĩa của xu hướng mới nổi toàn cầu. Ông khẳng định những đổi mới công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ nano, Internet vạn vật và robot đang định hình lại cách thức trồng trọt và thu hoạch truyền thống, trong khi đó, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa kết nối đã khiến các khái niệm mới xuất hiện như thông tin di động, đám mây điện tử, in 3D, năng lượng sạch và các ứng dụng công nghiệp.
Tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA đã có bài báo cáo về tình hình tổng quan ngành cao su Việt Nam và định hướng phát triển trong tương lai. Ông khẳng định ngành cao su Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, đồng thời thúc đẩy sử dụng gỗ cao su là nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm rủi ro về thị trường và biến đổi khí hậu với những mô hình trồng xen hoặc trồng kết hợp để đa dạng nguồn thu nhập, tăng cường trữ lượng các-bon, giảm hóa chất, ít phát thải khí nhà kính…
Hội nghị bao gồm 6 phiên với các chủ đề: Triển vọng cao su toàn cầu: Dự báo cung, cầu và giá cả năm 2019 – 2020; Cao su dưới Sáng kiến Vành đai và Con đường; Nông nghiệp 4.0: Tương lai của khoa học cây trồng và nông học; Phiên 4: Sự thay đổi của Chuỗi cung ứng cao su thiên nhiên; Công nghiệp 4.0: Thuận lợi và khó khăn đối với ngành công nghiệp cao su và 100 công nghệ mới nổi cho thế hệ cao su mới. Hội nghị đã cung cấp những thông tin thị trường cập nhật, các sáng kiến công nghệ mới nhất và xu hướng đang phát triển của ngành cao su và các ngành liên quan. Hội nghị còn là diễn đàn cho các cuộc thảo luận cấp cao về triển vọng kinh doanh, giá cả thị trường và chiến lược phát triển cho ngành cao su trong khu vực và trên toàn thế giới trong tình hình mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, ngày 14/12/2019, các đại biểu đã được tham quan thực địa vườn cây và nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Hải Nam. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Hải Nam, với số vốn đăng ký 4.279 tỷ RMB, là tập đoàn quy mô lớn tích hợp các khâu từ trồng, chế biến, nghiên cứu & phát triển đến thương mại cao su, tài chính, kho bãi và hậu cần, thương mại điện tử, và nông nghiệp cao. Tập đoàn có 25 đơn vị thành viên sản xuất sản phẩm cao su, 22 nhà máy chế biến cao su, và một trung tâm nghiên cứu về giống. Tại Hải Nam, Vân Nam, Thượng Hải và nước ngoài, có 15 đơn vị thành viên với 22.000 nhân viên.
Tại vườn cây, Tập đoàn đã giới thiệu máy cạo mủ được ứng dụng trí thông minh nhân tạo. Đây là hệ thống cạo mủ tự động có khả năng hoàn thành 1 lần cạo trong 2 phút theo thời điểm cạo định kỳ được cài đặt. Mỗi cây sẽ được gắn 1 máy với lưỡi dao riêng biệt nhằm tránh lây lan bệnh dịch qua vết cạo và có khả năng thực hiện cạo mủ chính xác, ít gây tổn hại cây. Ngoài ra, máy còn có chức năng thu thập dữ liệu thông minh như sự thay đổi môi trường, sản lượng mủ của từng cây… giúp quản lý vườn cây hiệu quả, cải thiện năng suất và tiết kiệm nhân công. Với trang bị máng che mưa cho từng cây, việc thu hoạch mủ vẫn được thực hiện hiệu quả khi trời mưa. Máy có thể được gắn và thực hiện cạo tại bất kỳ độ cao. Việc thu hoạch mủ sẽ được thực hiện theo hệ thống các ống nhựa dẫn từ từng cây đến xe bồn tại điểm tập trung. Xe bồn có gắn bơm, khi khởi động sẽ hút mủ từ toàn bộ cây trong vườn.
Ngoài ra, các đại biểu còn tham quan Nhà máy sơ chế cao su Jinlian của Tập đoàn. Nhà máy có công suất chế biến hàng năm đạt 80.000 tấn mủ quy khô, trong đó 60.000 tấn mủ ly tâm cô đặc, 15.000 tấn mủ, 25.000 tấn cao su cho lốp radial và 4.000 tấn mủ skim. Jinlian hiện là nhà máy sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất Trung Quốc với 245 lao động. Nhà máy đạt chứng nhận ISO 9001:2008 về hệ thống quản lý chất lượng và ISO 14001:2004 về hệ thống quản lý môi trường. Sản phẩm cao su ly tâm mang thương hiệu “Meilian” của Nhà máy được khách hàng đánh giá cao và liên tục đạt được nhiều giải thưởng quốc gia nhờ chất lượng đồng đều và ổn định.
Tại Trạm thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Cao su thuộc Học viện khoa học nông nghiệp nhiệt đới Trung Quốc, các đại biểu đã được tham quan vườn ươm và các mô hình trồng xen hiệu quả trong vườn cao su như chè, cà phê, ca cao, quế, dược liệu...
Đặc biệt, các đại biểu có cơ hội tham quan Bảo tàng Cao su thiên nhiên thuộc Bảo tàng Nông nghiệp Hải Nam (HSF). Bảo tàng HSF có diện tích hơn 4.800 m2 gồm 8 phòng triển lãm lớn ghi nhận lại quá trình hình thành và phát triển của ngành cao su Trung Quốc tại Hải Nam. Bảo tàng đã tái hiện lịch sử từ những ngày đầu khai hoang khó khăn các nhóm thanh niên tình nguyện là các sĩ quan và quân nhân của Quân đội Giải phóng Nhân dân, những người lính hồi hương, trở về Trung Quốc ở nước ngoài, thanh niên tri thức... trong hơn nửa thế kỷ. Đến nay, Hải Nam đã trở thành khu vực có diện tích phát triển cây cao su lớn nhất Trung Quốc.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hồng Vân)