Hoạt động

Tham dự hội thảo “Tiếp cận thị trường Liên bang Nga trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực”

12/01/2017

Vào ngày 22/11/2016, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự hội thảo “Tiếp cận thị trường Liên bang Nga trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu (FTA Việt Nam – EAEU) có hiệu lực” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm WTO tổ chức.


Tham dự hội thảo gồm có ông Trần Việt Phương – Phó Trưởng phòng Nga-SNG, Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công Thương; bà Trần Đức Hạnh – Chuyên gia Nghiên cứu thị trường; bà Bùi Kim Thùy – Phó Trường phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp lớn, ngân hàng BIDV Việt Nam.

Chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016, FTA Việt Nam – EAEU đang mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu. Trong đó, thị trường Nga được xác định là thị trường trọng điểm. Theo bà Trần Đức Hạnh, so với 4 nước còn lại trong Liên minh EAEU, Nga không chỉ có diện tích rộng lớn mà còn có dân số đông gấp 4 lần, GDP cao gấp 3,2 lần, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga cũng tăng gấp 8,6 lần so với 4 nước còn lại. Ngoài ra, Nga còn có quan hệ thương mại lâu năm với Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu sang Nga có thể tiếp tục đi sang 4 nước còn lại vì 4 cảng lớn vào khu vực đều nằm ở Nga.
Phân tích về tiềm năng xuất khẩu một số mặt hàng chính, bà Trần Đức Hạnh cho biết, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh nhưng cũng là các ngành hàng Nga có thế mạnh như thủy sản, gỗ, ngũ gốc (trong đó có gạo) cần phải phân tích kĩ theo nhóm hàng. Đối với những ngành mà Việt Nam có tiềm năng và Nga cũng có nhu cầu như: tơ, măng tre lá, tinh dầu, chế phẩm dành cho vệ sinh... nhưng chưa đẩy mạnh được xuất khẩu, doanh nghiệp có thể khai thác thị trường ngách. Còn đối với những ngành Việt Nam có thế mạnh nhưng vẫn phải NK nhiều, thậm chí nhập siêu như nhựa và các sản phẩm từ nhựa (nhập siêu gần 6,4 tỷ USD), rau củ ( nhập siêu hơn 1 tỷ USD) doanh nghiệp cũng phải có sự phân tích cụ thể đối với từng ngành hàng để tìm ra giải pháp hiệu quả đẩy mạnh xuất khẩu.
Bà Bùi Kim Thùy nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế lớn khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực vì là nước đầu tiên ký kết hiệp định thương mại với khối liên minh này. Do đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng lợi thế cạnh tranh này để tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu vào Nga. Theo bà Kim Thùy, cách duy nhất để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan từ FTA là phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Lộ trình để được hưởng lợi từ FTA bao gồm: doanh nghiệp xác định mã số HS, đáp ứng quy tắc xuất xứ, có C/O ưu đãi (căn cứ pháp lý quan trọng nhất chứng minh quốc tịch của hàng hóa), hưởng ưu đãi thuế, kích thích việc tìm kiếm nguyên phụ liệu và sản xuất tại các nền kinh tế thành viên của FTA.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, XK hàng hóa sang Nga cũng có nhiều khó khăn, thách thức về vấn đề thanh toán, khoảng cách và vận chuyển. Ngoài ra, vấn đề công khai, minh bạch về thông tin cũng như sự hạn chế về năng lực cũng đang là rào cản đối với DN Việt Nam. Về vấn đề thanh toán, doang nghiệp Nga thường thanh toán theo hình thức trả chậm đối với hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các kênh thanh toán không chính thống tại Nga cũng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp khi sử dụng trong xuất khẩu. Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chia sẻ, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nga, BIDV đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ thúc đẩy kênh thanh toán song phương Việt – Nga như triển khai Gói sản phẩm ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường Nga bằng cách ưu đãi về lãi suất, chi phí.
Cụ thể là triển khai tất cả các hình thức thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế (L/C, nhờ thu, chuyển tiền điện) đáp ứng đa dạng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngân hàng cũng có sản phẩm phái sinh tài chính (mua bán ngoại tệ giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi tiền tệ chéo) để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và linh hoạt sử dụng đồng tiền. Bên cạnh đó, BIDV cũng thường xuyên rà soát niêm yết tỷ giá giao dịch RUB/VND nhằm bảo đảm giao dịch của BIDV là cạnh tranh nhất trên thị trường.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (TD)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>