Hoạt động

Tham dư Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019

14/10/2019

 Ngày 12/9/2019, đại diện Văn phòng Hiệp hội đã tham dự Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tổ chức, với sự tham gia chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. 


 Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ các giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển nguồn vốn con người, xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, thúc đẩy các mô hình kinh tế bền vững giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. Những giải pháp này cũng được kỳ vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực cho nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 với tầm nhìn và chính sách mới nhằm đưa đất nước tiến xa hơn tới một thập kỷ phát triển bền vững hơn.

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề xoay quanh các nội dung đang nhận được sự quan tâm hiện nay gồm có: Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030 - mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu; Quan hệ đối tác công tư: Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững; Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp Nhà nước trong dài hạn.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030. Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ/ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu.
Description: https://f16.photo.talk.zdn.vn/5546325991748026269/fd974d9352feb4a0edef.jpg
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ. Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tuy nhiên, theo Thủ tướng các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều; tình trạng khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường, mất cân đối các hệ sinh thái còn diễn ra ở không ít nơi.
Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội. Cần tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững. Báo cáo phát triển con người của Liên Hợp Quốc đã xác định rõ mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển, con người là trung tâm của phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển.
Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương nghiên cứu để đưa ra chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hồng Vân)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>