Hoạt động

Phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cấp quản lý chất lượng cao su Việt Nam thời kỳ hội nhập”

18/01/2016

 Ngày 24/11/2015, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cấp quản lý chất lượng cao su Việt Nam thời kỳ hội nhập” tại Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.


 Tham dự Hội thảo có ông Đặng Việt Yên – đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (QLCL NLS&TS), Bộ NN&PTNT; ông Đặng Quốc Quân – Đại diện Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) khu vực phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Lê Xuân Hòe – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG); đại diện của VRA, VRG, RRIV, trưởng, phó phòng QLCL của một số công ty cao su thuộc VRG và Hội viên VRA.

 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA – nhận định: “Ngành cao su Việt Nam đã tiến bộ về chất lượng trong sản xuất nhờ nhiều doanh nghiệp luôn đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng cao su tăng nhanh trong khi các biện pháp quản lý còn nhiều bất cập khiến cho một tỷ lệ không nhỏ cao su Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Cao su thiên nhiên Việt Nam hiện đang đối mặt với những khó khăn thách thức do giá sụt giảm liên tục vì cung vượt cầu trên thị trường thế giới làm tăng sự cạnh tranh gay gắt giữa cao su Việt Nam và các nước trong khu vực. Do đó, việc đảm bảo chất lượng đúng chuẩn trở thành một trong những yêu cầu hàng đầu để các doanh nghiệp cao su Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập”.
Tại Hội thảo, các báo cáo được tập trung vào các chủ đề như: Đánh giá thực trạng sản xuất, quản lý chế biến và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên Việt Nam thời kỳ hội nhập; Tiêu chuẩn chất lượng cao su thiên nhiên – Tình hình hội nhập quốc tế và hiện trạng áp dụng trong lĩnh vực cao su; Tổ chức kiểm tra chéo trong nước – Những cải tiến nhằm hỗ trợ các phòng tham gia; Tính độ không bảo đảm đo cho các phép thử trong lĩnh vực cao su.
Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – Chánh Văn phòng VRA – đã trình bày về hiện trạng sản xuất, xuất nhập khẩu cao su thiên nhiên (CSTN) của Việt Nam; các văn bản pháp luật quản lý chất lượng nông sản và cao su ở VN; nêu một số vấn đề phát sinh, xu hướng mới trong thời kỳ hội nhập, đó là: Yêu cầu của khách hàng đối với tiêu chuẩn cao su bằng hoặc cao hơn ISO; yêu cầu hài hòa tiêu chuẩn trong ASEAN; cao su nhập khẩu có thuế suất bằng 0% (cạnh tranh trên sân nhà). Bà Hoa đã kiến nghị một số giải pháp đối với ngành như cập nhật tiêu chuẩn cao su thiên nhiên Việt Nam hài hòa ASEAN và ISO; xây dựng tiêu chuẩn/quy chuẩn quốc gia về nguyên liệu và nhà máy; tăng cường số phòng kiểm nghiệm chất lượng cao su có chứng nhận VILAS; nâng cấp Phòng Kiểm nghiệm của Viện làm phòng tham chiếu quốc gia về kiểm tra chất lượng cao su thiên nhiên; giao Viện được ủy quyền cấp chứng chỉ kiểm nghiệm chất lượng CSTN, giữ chuẩn cho ngành cao su Việt Nam và tham gia hệ thống Phòng tham chiếu ASEAN.
Nguyễn Thị Thanh Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Chất lượng cao su thiên nhiên (thuộc RRIV) – đã báo cáo về tình hình hài hòa tiêu chuẩn về phép thử và quy định kỹ thuật CSTN cũng như hiện trạng áp dụng tiêu chuẩn trong ngành cao su. Bà Ngọc kiến nghị: Đề cử chuyên gia và hỗ trợ kinh phí để tham gia Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC45 soát xét tiêu chuẩn quốc gia về cao su; tham gia Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn cao su ISO/TC45; tham dự các phiên họp của ISO/TC45/SC2 (Tiểu ban Thử nghiệm và Phân tích) và ISO/TC45/SC3 (Tiểu ban Nguyên liệu – bao gồm latex – sử dụng trong công nghiệp cao su) để soát xét tiêu chuẩn quốc tế, đóng góp ý kiến nhằm tránh các vấn đề bất cập trong tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp cao su Việt Nam; tiếp tục tham gia các hoạt động của Nhóm công tác sản phẩm cao su thuộc Ủy ban Tư vấn về tiêu chuẩn, chất lượng của ASEAN (RBPWG /ASEAN). Bà cũng kiến nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần tham gia biên soạn, soát xét tiêu chuẩn ISO hoặc phát triển tiêu chuẩn quốc gia thành tiêu chuẩn ISO đối với những tiêu chuẩn mà ISO chưa có...
Ông Nguyễn Thanh Trúc - ... RRIV đã đưa ra những hạn chế tồn tại trong chương trình kiểm tra chéo do RRIV tổ chức và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng chương trình này. Ngoài ra, ông Trúc cũng hướng dẫn cách thức tính độ không bảo đảm đo cho các phép thử trong lĩnh vực cao su.
Sau khi nghe các báo cáo được trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận nhằm đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng QLCL tại đơn vị và đề xuất các giải pháp để nâng cấp quản lý chất lượng cao su Việt Nam.
Ông Tào Mạnh Cương – Trưởng phòng QLCL, Công ty CP Cao su Phước Hòa – đề xuất: Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý quản lý chất lượng trong ngành cao su; phải có trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm và đơn vị chuyên đánh giá quy trình sản xuất; khuyến khích các phòng kiểm nghiệm đạt sự công nhận cấp quốc gia (VILAS).
Ông Đặng Việt Yên – đại diện Cục QLCL NLS&TS – cho biết: Việc quản lý chất lượng cao su cần theo hướng kiểm soát toàn bộ quá trình từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra. Các cơ quan Nhà nước và các bên liên quan có nhiệm vụ kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất căn cứ trên tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia.
Theo ông Đặng Quốc Quân – đại diện BoA, để phòng kiểm nghiệm của RRIV trở thành phòng kiểm nghiệm tham chiếu quốc gia, cần đáp ứng hai điều kiện sau: Có sự chỉ định của cơ quan Nhà nước và chứng minh đủ năng lực, nhân lực, trang thiết bị.
Kết luận tại Hội thảo, ông Võ Hoàng An một lần nữa nhấn mạnh: Chất lượng hàng hóa là tiêu chuẩn hàng đầu cho thương hiệu. Vừa qua, VRA đã đăng ký thành công Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam và đang từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu ngành cao su Việt Nam. Việt Nam đã có những tiêu chuẩn quốc gia tương đương với quốc tế và khu vực đối với cao su thiên nhiên định chuẩn kỹ thuật và cao su ly tâm, nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nguyên liệu mủ cao su đầu vào, nhà máy sơ chế mủ cao su và quy trình công nghệ. Do đó, chưa đủ cơ sở pháp lý để hướng dẫn cũng như kiểm tra, quản lý giúp các doanh nghiệp đảm bảo quy trình sản xuất từ mủ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Nhằm hạn chế xuất khẩu những lô hàng không đúng chất lượng theo tiêu chuẩn, VRA đề xuất phải có chứng chỉ kiểm phẩm. Hiện nay, ở khu vực tư nhân, chất lượng CSTN của những doanh nghiệp lớn đã dần ổn định, tuy nhiên, cần có lộ trình phù hợp cho việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các doanh nghiệp và nhà máy quy mô nhỏ để tiến đến toàn ngành cao su Việt Nam đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Việt Hồng, Hoa Trần)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>