Hoạt động

Tiếp và làm việc với đoàn công tác của NEPCon

18/01/2016
Ngày 06/8/2015, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của NEPCon – một tổ chức phi lợi nhuận có Văn phòng tại Anh, Ai-len,và Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tổ chức NEPCon mong muốn hợp tác với Hiệp hội Cao su Việt Nam và các Hội viên nhằm giới thiệu những giải pháp, dịch vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu… Trong đó, các chương trình đánh giá, đào tạo về Chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council) của Hội đồng Quản lý rừng quốc tế, các dịch vụ hỗ trợ sự tuân thủ tính hợp pháp của gỗ từ cả khâu cung cấp đến thu mua được đại diện của NEPCon giới thiệu khái quát tại buổi làm việc với Văn phòng Hiệp hội. Để xây dựng kế hoạch khung cho sự hợp tác trong tương lai, NEPCon bày tỏ mong muốn được tìm hiểu thêm về hoạt động cũng như nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thăm vườn cây, nhà máy chế biến cao su và gỗ cao su. Sau đó, NEPCon dự kiến sẽ phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức một buổi hội thảo để giới thiệu chi tiết hơn về các dự án/chương trình, dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp ngành cao su hướng đến sự phát triển bền vững.

 

 Tiếp theo đó, ngày 08/9/2015, Chánh Văn phòng và Chuyên viên Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Namđã hướng dẫn đoàn NEPCon đến thăm và làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng nhằm tìm hiểu về hoạt động trồng, chăm sóc, thu hoạch mủ cao su, đặc biệt là về khai thác, sử dụng gỗ cao su sau khi thanh lý và tình hình duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

Đoàn đã được hướng dẫn tham quan Nhà máy Chế biến cao su Bến Súc có dây chuyền chế biến cao su khối đạt công suất 12.000 tấn/năm và cao su ly tâm đạt 7.000 tấn/năm, với số lượng công nhân khoảng 190 người. Để chế biến mủ thu hoạch từ vườn cây cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng FSC, nhà máy đã trang bị dây chuyền chế biến được dán nhãn FSC.
Hàng năm, các vườn cao su đã hết thời gian khai thác mủ được thanh lỳ và khai thác gỗ. Cây cao su được cưa xẻ thành thanh, ván phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Gỗ cao su hiện được đánh giá là “thân thiện môi trường” và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Một trong những hoạt động của NEPCon là dịch vụ hỗ trợ về đảm bảo tính hợp pháp của gỗ,do vậy tổ chức này quan tâm đến vấn đề khai thác và sử dụng gỗ sau thanh lý. Đoàn tham quan Nhà máy Chế biến Gỗ Long Hòa, Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và được ông Tô Văn Đức Đạt – Phó Giám đốc – hướng dẫn thăm xưởng cưa xẻ gỗ, xưởng ván ghép, xưởng tinh chế thành phẩm gỗ gia dụng và trang trí nội thất. Toàn bộ quy trình sản xuất của Nhà máy từ khâu cưa xẻ, ngâm tẩm, sấy đều theo công nghệ tiên tiến và các sản phẩm đều có chứng nhận khai thác hợp pháp.
Sau đó, Đoàn đi thăm vườn cao su tại Nông trường Cao su Long Hòa vừa mở miệng cạo và đạt chứng nhận quản lý rừng FSC. Công nhân thu hoạch mủ trong những thùng có dán nhãn FSC để đưa về nhà máy chế biến mặt hàng cao su thiên nhiên đạt chuẩn FSC. Đoàn cũng được giới thiệu tham quan phòng Quản lý Chất lượng của Công ty với những thiết bị tiên tiến, hiện đại để đo đạc, kiểm tra các chỉ tiêu của cao su như độ nhớt Mooney, độ dẻo ban đầu P0, chỉ số duy trì độ dẻo PRI… nhằm đảm bảo sản phẩm đạt đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố.
Tại trụ sở Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, ông Nguyễn Thành Được – Phó Tổng Giám đốc – đã tiếp đoàn và trao đổi thông tin về hoạt động của Công ty. Ông Được cho biết Công ty hiện có 28.600 hecta cao su, trong đó diện tích đạt chứng chỉ quản lý rừng FSC là 5.800 hecta. Ngoài ra, Công ty đã đạt được những chứng chỉ khác như ISO 9001:2008, ISO 14001:2004, ISO/IEC 17025:2005... Tại buổi trao đổi, Chánh Văn phòng Hiệp hội đã giới thiệu về Sáng kiến tự nguyện về cao su thiên nhiên bền vững (SNR-i) do Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) khởi xướng nhằm kết nối các bên liên quan tự nguyện tham gia để phát triển bền vững ngành cao su thiên nhiên toàn cầu. Các công ty lốp xe lớn như Goodyear, Michelin… ủng hộ Sáng kiến SNR-i của IRSG và cho biết người tiêu dùng đang đòi hỏi ngày càng gay gắt hơn về các tiêu chuẩn mới như được sản xuất từ quy trình công nghệ không gây hại môi trường và từ các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao.Ông Được cũng bày tỏ sự quan tâm tìm hiểu về tổ chức NEPCon và mong muốn được thông tin thêm về các chứng chỉ khác ngoài FSC như chứng chỉ Rainforest Alliance Certified™, chứng nhận FLEGT để các công ty cao su xem xét lựa chọn, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.
Kết thúc buổi làm việc, tổ chức NEPCon cảm ơn sự quan tâm đón tiếp của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng vàcho biết dự kiến vào ngày 14/10/2015 sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về tính hợp pháp của gổ cho ngành cao su Việt Nam nhằm cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngành cao su.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Việt Hồng, Ngọc Thúy, Hoa Trần)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>