Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham gia Đối thoại trực tuyến: Ngành Cao su thiên nhiên Việt Nam

08/03/2022

Ngày 24/02/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham gia Buổi tọa đàm trực tuyến “Ngành Cao su thiên nhiên Việt Nam” do TechnoBiz tổ chức. Buổi đối thoại do Ông Jom Jacob, Chuyên gia về ngành cao su, chủ trì cùng diễn giả khách mời là Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Thành viên Tổ Tư vấn Phát triển bền vững Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-CTCP (VRG).


Một số thông tin chính về ngành CSTN Việt Nam đã được TS. Hoa giới thiệu. Theo đó, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên (CSTN) lớn thứ ba trên thế giới. Năm 2021, sản lượng CSTN Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn, tăng 2,8% so với năm 2020 và chiếm khoảng 9,1% tổng sản lượng CSTN toàn cầu. Diện tích CSTN năm 2021 của Việt Nam ước đạt 938,8 ngàn ha, tăng 0,7% so với năm trước. 

Về diện tích cây cao su ở Việt Nam, TS. Hoa cho biết, 7 tỉnh phía Nam, vốn là khu vực trồng cao su truyền thống, là vùng có diện tích trồng cây cao su cao nhất cả nước với tỷ lệ 58,3%. Với những lợi thế sẵn có về điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng, đây cũng là khu vực cho năng suất trồng và sản lượng CSTN cao nhất tại Việt Nam. Diện tích các vườn cây hộ tiểu điền tăng dần kể từ năm 2005, và trong năm 2021, các hộ tiểu điền chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại hình sở hữu, ước tính khoảng 51,2% trên tổng diện tích; các vườn cây quốc doanh chiếm 39,4% và các vườn tư nhân chiếm 9,5%.
Qua các số liệu sơ bộ về ngành CSTN ở Việt Nam, các hộ tiểu điền đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung CSTN mà do đó, việc đảm bảo nguồn CSTN chất lượng cũng như gia tăng sinh kế cho các hộ tiểu điền là một vấn đề cần quan tâm. Theo TS. Hoa, ở Việt Nam có khoảng 265.000 hộ tiểu điền (ước tính năm 2019), và trung bình 1 hộ sở hữu chưa đến 2 ha diện tích cây cao su. Phần lớn các hộ tiểu điền đầu tư bằng vốn gia đình, tuy nhiên, cũng có một số hộ nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ bên cạnh các hỗ trợ về cây giống, phân bón, vật tư, kỹ thuật… Mủ nguyên liệu từ các hộ tiểu điền có thể bán trực tiếp đến công ty chế biến hoặc qua mua bán giữa các tư thương trước khi cuối cùng được cung cấp cho công ty chế biến. Về khía cạnh giá, CSTN là một hàng hóa trên thị trường tự do ở Việt Nam và giá giao dịch hàng ngày thường sẽ được báo qua điện thoại giữa các công ty chế biến/đại lý thu mua đến vườn cây.   
Ngoài ra, biến đổi khí hậu và xu thế phát triển bển vững cũng có những tác động đáng kể đến ngành CSTN Việt Nam. Thời tiết mưa bão ảnh hưởng đáng kể đến việc khai thác mủ, dẫn đến sản lượng và năng suất thu hoạch giảm. Một trong những biện pháp để Việt Nam chống lại tác động tiêu cực là việc tạo và lựa chọn những giống cây trồng có sức chống chịu tốt cũng như mang lại năng suất mủ cao hơn. Hiện tại, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cũng như để đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc sản phẩm hay nguyên liệu, VRG đã và đang dần mở rộng các diện tích vườn cây đạt chứng nhận VFCS/PEFC. Theo TS. Hoa, đối với các hộ điểu điền, chứng chỉ quản lý rừng cho nhóm hộ là một giải pháp góp phần bền vững hóa nguồn CSTN từ tiểu điền, cũng như cải thiện sinh kế cho người nông dân.   
Văn phòng HHCSVN (An Trịnh)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>