Hoạt động >> Hoạt động khác

VRA: Tham dự Diễn đàn giám sát quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững lần thứ 4

14/09/2021

Ngày 25/8/2021, Văn phòng Hiệp hội đã cử đại diện tham dự Diễn đàn giám sát quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững lần thứ 4 do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp với Tổng Cục lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy quản trị rừng và thương mại gỗ hợp pháp thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)” được tài trợ bởi Liên minh châu Âu.


Đây là một trong những hoạt động thường niên được tổ chức nhằm thúc đẩy hiệu quả sự tham gia của các tổ chức xã hội (TCXH) vào giám sát quản trị rừng và theo dõi việc thực hiện Hiệp Định Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA FLEGT), đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực tròn một năm (từ ngày 01/8/2020).

Bà Vũ Thị Bích Hợp – Giám đốc SRD kiêm Chủ tịch điều hành mạng lưới VNGO-FLEGT và VNGO-EVFTA chủ trì Diễn đàn cùng với ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp và ông Koen Duchateau – Trưởng ban Hợp tác Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Diễn đàn cũng ghi nhận sự tham gia của các Ban, ngành Trung ương, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu...
09 báo cáo được trình bày từ các cá nhân, TCXH tại diễn đàn đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về quản trị rừng và thương mại gỗ bền vững. Theo báo cáo kết quả năm thứ 1 thực hiện Dự án, Ông Nguyễn Phú Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm SRD, Quản lý dự án EVFTA cho biết, Dự án tuy khởi động trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng cũng đã hoàn thành một số công việc trong giai đoạn đầu như xây dựng chiến lược truyền thông cho mạng lưới, hình thành mạng lưới; tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên mạng lưới; hỗ trợ bên thứ 3 thực hiện các dự án nghiên cứu; phối hợp với tư vấn hoàn thành một số nghiên cứu và đã có kết quả bước đầu.
Về tiến trình thực hiện 2 Hiệp định VPA/FLEGT và EVFTA, Ông Trần Hiếu Minh – Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, thách thức hiện nay là việc hoàn thiện, thực thi và vận hành cơ chế cấp phép FLEGT, bên cạnh nhận thức còn yếu kém của phần lớn chủ rừng, DN và cơ sở sản xuất về Hiệp định VPA/FLEGT. Trong 6 tháng cuối năm 2021, Dự án sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và công bố thông tin, cụ thể: Ban hành Tài liệu hỏi – đáp nhanh về Hiệp định cho nhóm đối tượng là hộ gia đình và DN; tài liệu hỏi đáp về Nghị định VNTLAS; xây dựng trang web của Văn phòng FLECT và xây dựng 3 phóng sự phát triển truyền hình về Hiệp định. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về Phân loại doanh nghiệp, vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo tăng cường năng lực cho cho các bên liên quan về Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp và tổ chức các hoạt động nhằm quản lý, giám sát và đánh giá thực thi Hiệp định.
Tại Diễn đàn, GS TS Nguyễn Bá Ngãi, đại diện Hội Chủ rừng Việt Nam cũng công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng rừng trồng và gỗ rừng trồng đáp ứng yêu cầu Hiệp định EVFTA và thực thi cam kết VPA ở Việt Nam. Theo đó, diện tích rừng trồng tại Việt Nam bao gồm 25% là rừng trồng sản xuất, trên 50% là của hộ gia đình, cá nhân. Hiện cả nước có 463.695 ha rừng được cấp chứng chỉ và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững (PA QLBVR) chiếm 12,5% tổng diện tích rừng trồng sản xuất. Như vậy, có thể thấy mức độ đáp ứng yêu cầu của Hiệp định EVFTA về gỗ được khai thác từ những khu rừng có PA QLRBV rất hạn chế khi diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững là quá thấp so với yêu cầu, trong khi diện tích rừng trồng sản xuất của hộ gia đình chiếm tỷ trọng cao nhưng không bắt buộc phải xây dựng PA QLRBV.
Vấn đề tồn tại lớn nhất là trong khi gỗ được khai thác từ rừng trồng sản xuất của các công ty lâm nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp thì mức độ tuân thủ yêu cầu gỗ hợp pháp của hộ gia đình còn hạn chế bởi liên quan đến quyền sử dụng đất. Đây là điểm tắc nghẽn quan trọng cần tháo gỡ về đảm bảo tính hợp pháp của gỗ được khai thác từ 1.874.659 ha rừng trồng sản xuất của hộ gia đình.Ngoài ra, loài cây của các rừng trồng sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về đa dạng sinh học. Người dân vẫn chủ yếu trồng keo với khoảng 80% diện tích, tiếp theo là bạch đàn, cây bản địa rất ít. Cùng với đó, trên 90% diện tích trồng sản xuất là thuần loài, đều tuổi; dưới 10% rừng trồng hỗn giao 2 loài, chu kỳ kinh doanh ngắn (5 – 10 năm). Rừng trồng của các hộ gia đình chủ yếu xử lý thực bì phát, đốt. Điểm sáng của kết quả nghiên cứu này là vấn đề lao động trẻ em, khi khảo sát tại 3 tỉnh (Tuyên Quang, Quảng Trị, Bình Định) chưa phát hiện bằng chứng sử dụng lao động trẻ em trong phát triển rừng, khai thác và chế biến lâm sản, tuy nhiên vấn đề này cần tiếp tục xem xét và nghiên cứu.
Đánh giá tuân thủ pháp luật về môi trường và xã hội của các doanh nghiệp ngành gỗ hướng tới đáp ứng các quy định của Hiệp định EVFTA, TS Đoàn Diễm – Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết, các DN có PA QLRBV cơ bản tuân thủ pháp luật về môi trường và lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số các cơ sở chế biến gỗ sản xuất phát sinh tiếng ồn, khói, bụi …mà nguyên nhân là do công nghệ lạc hậu, nhưng khó có khả năng đổi mới. Tỷ lệ DN chế biến và kinh doanh có tổ chức công đoàn rất thấp, đa số DN nhỏ không đủ nguồn lực (nhân lực, vốn…) để xử lý những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ những báo cáo, nghiên cứu và những ý kiến đóng góp về các chủ đề quan trọng như “Người dân tộc thiểu số hưởng dụng rừng, đất rừng nhằm đáp ứng việc thực thi Hiệp định EVFTA về chuỗi sản xuất và cung ứng gỗ tại Việt Nam”, “Khung giám sát và đánh giá VPA-FLEGT: Vai trò của các đối tác không thuộc nhà nước” , “Những cập nhật từ các tổ chức xã hội về giám sát quản trị rừng”. Để giám sát thành công quản trị rừng đòi hỏi nhiều cơ quan, tổ chức và cộng đồng tham gia nên việc thống nhất phương pháp và thực hiện, tăng cường hơn nữa sự trao đổi thông tin giữa các thành viên mạng lưới VNGO-EVFTA để tránh sự chồng chéo, đặc biệt DAGs Việt Nam cần sớm kết nối với DAGs của EU để thống nhất kế hoạch hoạt động trên cơ sở Hiệp định EVFTA và thực hiện Quyết định số 1972/QĐ- BCT ngày 17/8/2021 về việc thành lập DAG Việt Nam. SRD cũng đã trình bày chiến lược cũng như kế hoạch truyền thông của Mạng lưới VNGO-EVFTA và Kế hoạch hoạt động dự án năm 2 cũng đã được trình bày cụ thể tại Diễn đàn.
Ngày 17/8/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BCT thành lập Nhóm tư vấn trong nước Việt Nam theo quy định tại Điều 13.15 Chương Thương mại và Phát triển bền vững (TM&PTBV) trong EVFTA. Thành viên Nhóm DAG Việt Nam bao gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện giới sử dụng lao động; Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và SRD.Nhóm DAG Việt Nam hoạt động như một diễn đàn, không có tư cách pháp nhân với chức năng và nhiệm vụ tập hợp, trình bày quan điểm và đưa ra khuyến nghị, tư vấn và góp ý đối với việc thực thi Chương TM&PTBV của EVFTA, phù hợp với cam kết tại Hiệp định. Các quan điểm và khuyến nghị này sẽ được đưa lên Ủy ban TM&PTBV của EVFTA.
Văn phòng HHCS tổng hợp (Vân Quỳnh)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>