Ngày 29/11/2023, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ) Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (NHCN) lần 2 năm 2023. Cuộc họp có sự tham dự của 09/12 thành viên HĐTĐ, 10/10 thành viên Tổ Chuyên gia đánh giá cao su thiên nhiên (Tổ Chuyên gia) cùng Tổ Thư ký Nhãn hiệu chứng nhận (Tổ Thư ký).
Tại cuộc họp, ông Huỳnh Tấn Siêu – Ủy viên HĐTĐ, Tổ phó Tổ Chuyên gia– báo cáo kết quả thực hiện công tác đánh giá việc sử dụng NHCN năm 2023. Theo đó, Tổ Chuyên gia đã thực hiện tổ chức 4 cuộc họp nhằm thống nhất nội dung và hoàn chỉnh (i) Bộ tiêu chí đánh giá rút gọn; (ii) Phương pháp điều chỉnh, rút gọn quy trình thực hiện thẩm định thực địa tại đơn vị và (iii) Quy trình hướng dẫn cách thức đánh giá NHCN theo hướng rút gọn và các phụ lục đính kèm làm cơ sở trình HĐTĐ xem xét thông qua. Quy trình rút gọn thực hiện năm đầu tiên đã giảm bớt thời gian thẩm định tại cơ sở, có nhiều thông tin hơn để hỗ trợ các đơn vị thực hiện hành động khắc phục, tuy nhiên, việc tăng cường đánh giá qua hồ sơ và lượng hồ sơ cần cung cấp tăng lên cũng nhận được phản hồi của đơn vị về khó khăn trong tập hợp đầy đủ hồ sơ.
Về kết quả thực hiện gia hạn và giám sát định kỳ, Tổ Chuyên gia phối hợp với Tổ Thư ký tiến hành đánh giá gia hạn 27 sản phẩm của 12 nhà máy thuộc 7 đơn vị để tiếp tục duy trì hiệu lực quyền sử dụng NHCN; giám sát định kỳ 58 sản phẩm tại 26 nhà máy thuộc 17 đơn vị. Phần lớn các đơn vị đáp ứng các tiêu chí đánh giá và có những ý kiến tích cực về quy trình thẩm định là cơ sở để đơn vị cải tiến, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đăng ký. Hầu hết các đơn vị cũng đã có sự cải thiện, khắc phục các khuyến nghị trong năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế do chưa bám sát yêu cầu của Bộ tiêu chí trong khi khắc phục, cải tiến.
Trong thời gian tới, Tổ Chuyên gia đề xuất phối hợp với Tổ Thư ký thực hiện các công tác:Rà soát, sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí trên cơ sở bám sát mục đích, ý nghĩa, yêu cầu ban đầu của tiêu chí chứng nhận NHCN và có điều chỉnh phù hợp với thực tế sản xuất phổ biến toàn ngành, nhằm thu hút các đơn vị khối tư nhân tham gia, góp phần nâng tầm chất lượng cao su Việt Nam; Nghiên cứu, rà soát, phân loại thành phần tài liệu, hồ sơ đảm bảo tính pháp lý và đúng quy định đồng thời phù hợp, hài hòa giữa khối doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp Nhà nước; Cập nhật bổ sung quy định về phương pháp và số lượng lần lấy mẫu kiểm tra lại khi việc kiểm tra chất lượng mẫu không đạt theo yêu cầu; Hướng dẫn đánh giá cụ thể đối với các trường hợp như không sản xuất sản phẩm trên dây chuyền vào ngày đoàn có mặt đánh giá hoặc trong năm, nhằm tránh ảnh hưởng đến các đơn vị đang sử dụng NHCN và vẫn đảm bảo uy tín, chất lượng của NHCN. Đồng thời, Tổ Chuyên gia cũng đề xuất sẽ chủ động quyết định hình thức đánh giá bổ sung (video, hình ảnh, đánh giá trực tuyến hoặc trực tiếp,…) trong trường hợp đơn vị thẩm định không tổ chức sản xuất toàn bộ quy trình và chịu trách nhiệm về độ tin cậy của kết quả.
Quang cảnh buổi họp
Một số ý kiến đóng góp và đề xuất được Hội đồng xem xét và đồng thuận cao như: Rà soát, có sự phân loại danh mục hồ sơ, trên tinh thần tôn trọng ý kiến phản hồi của công ty nhưng vẫn đảm bảo đúng quy chế, quy định chung; Thu thập phản ảnh của đơn vị tiêu thụ để tăng cường công tác đánh giá chất lượng, uy tín sản phẩm được cấp quyền sử dụng NHCN; Đẩy mạnh việc mở rộng cấp quyền sử dụng nhãn hiệu và tuyên truyền, quảng bá Nhãn hiệu; Nghiên cứu, rà soát, cập nhật quy chế Nhãn hiệu, đặc biệt đối với sản phẩm đến thời điểm gia hạn, đánh giánhưng không sản xuất do cơ cấu chủng loại thấp, nhu cầu khách hàng
Kết luận cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch HĐTĐ – thống nhất: Hiệp hội duy trì quyền sử dụng NHCN cho 61 sản phẩm của 26 nhà máy thuộc 17 đơn vị và cấp mới quyền sử dụng NHCN cho 35 sản phẩm của 15 nhà máy thuộc 9 đơn vị trong năm 2023 và sẽ trao tại Lễ Tôn vinh doanh nghiệp trong khuôn khổ Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam hàng năm. Thời gian tới, Hiệp hội đẩy mạnh công tác đăng ký bảo hộ tại các thị trường trọng điểm và thị trường mới nổi, quảng bá và kiến nghị Cơ quan quản lý nhà nước các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao vị thế cho NHCN, tiếp tục theo đuổi mục tiêu trong dài hạn nghiên cứu việc nâng cấp Nhãn hiệu chứng nhận lên thành thương hiệu quốc gia thông qua quy chế phối hợp giữa Bộ Nông Nghiệp & PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như thực hiện việc thu thập ý kiến khách hàng của đơn vị đăng ký sử dụng NHCN và liên hệ các đơn vị có báo cáo bằng văn bản trong trường hợp có khiếu nại hay phản hồi về chất lượng sản phẩm nhằm duy trì giá trị và hiệu quả của NHCN. Bên cạnh đó, HĐTĐ thống nhất chủ trương và giao Tổ Chuyên gia có báo cáo đề xuất cụ thể trình HĐTĐ xem xét về việc rà soát, điều chỉnh quy định về hướng dẫn đánh giá cùng các phụ lục kèm theo (trong đó có phân loại danh mục hồ sơ, quy định về số lần lấy mẫu nếu không đạt, quy định về việc đánh giá các sản phẩm không sản xuất trong năm hoặc trong ngày đánh giá,…); tiếp tục nghiên cứu về phương pháp đánh giá rút gọn, đánh giá qua hướng tiếp cận quản trị rủi ro để phù hợp với công tác thẩm định trong thực tế hiện nay.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)