Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Thực hiện khảo sát chuỗi cung ứng gỗ cao su tại tỉnh Bình Dương và Tây Ninh và tham vấn dự án HAWA DDS về các tiêu chí gỗ hợp pháp

09/03/2021

 

Từ ngày 04 – 15/01/2021, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam” do Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tài trợ, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã thực hiện khảo sát chuỗi cung ứng gỗ cao su tại 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh nhằm đánh giá sự tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS trong chuỗi cung ứng. 

Đoàn Dự án đã làm việc với các công ty chế biến gỗ trên địa bàn 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, bao gồm cả công ty nhà nước và tư nhân. Theo đó, chuỗi cung ứng gỗ cao su của các công ty nhà nước có lợi thế nhờ việc có vườn cây cao su thanh lý lớn với kế hoạch thanh lý cụ thể, chất lượng gỗ cao su thanh lý ổn định. Đặc biệt, nhờ quy trình vận hành doanh nghiệp và hệ thống quản lý hồ sơ đã được các Công ty xây dựng, các mắt xích trong chuỗi được rút gọn và nguồn gốc có thể truy xuất thông qua các chứng từ, chứng nhận hợp lệ. Trong trường hợp thực hiện thu mua gỗ cao su tiểu điềm (chiếm số lượng ít), doanh nghiệp cũng có đội ngũ thu mua riêng của công ty giúp quá trình thu mua được thực hiện minh bạch, rõ ràng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện tuân thủ các quy định của VNTLAS.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ cao su tư nhân có xu hướng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của VNTLAS. Doanh nghiệp thường thiếu thông tin về các quy định của pháp luật, đặc biệt nhiều doanh nghiệp chưa từng biết đến Nghị định số 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Ngoài ra, do nguồn vốn có hạn và năng lực cạnh tranh yếu, doanh nghiệp tư nhân có đặc thù là thực hiện thu mua phần lớn gỗ cao su nguyên liệu từ các hộ tiểu điền, vốn có diện tích manh mún, nhỏ lẻ và chất lượng không đồng đều thông qua các thương lái. Tuy nhiên, việc thanh lý thường được thực hiện tự phát, thiếu các chứng từ hợp pháp do thông qua nhiều trung gian trước khi đến nhà máy chế biến gỗ. Đoàn Dự án cũng tiếp cận một số thương lái thực hiện thu mua gỗ cao su nhằm tìm hiểu thêm quy trình thu mua và vận chuyển gỗ đến nhà máy chế biến của thương lái. Có thể nói, doanh nghiệp tư nhân thường gặp nhiều khó khăn hơn khi tham gia chuỗi cung ứng gỗ cao su tiểu điền trong bối cảnh đáp ứng tuân thủ VNTLAS. 
Tham gia phỏng vấn hộ tiểu điền cao su tại địa bàn tỉnh Bình Dương
Đoàn Dự án cũng gặp gỡ với một số hộ tiểu điền vừa thực hiện hoạt động thanh lý gỗ cao su trong thời gian gần đây. Theo đó, các hộ tiểu điền cho biết giá thu mua gỗ cao su biến động mạnh qua các năm, phụ thuộc vào việc thu mua của các thương lái. Trong bối cảnh giá mủ cao su xuống thấp, nhiều nông dân không đầu tư chăm sóc cao su dẫn đến việc cây hết tuổi khai thác sớm hoặc nhu cầu chuyển đổi các loại cây trồng cho thu nhập cao hơn dẫn đến việc thanh lý nhiều diện tích cao su trên địa bàn. Việc mua bán gỗ thanh lý thường được thực hiện giữa hộ tiểu điền và thương lái thông qua thỏa thuận miệng (không có hợp đồng bằng văn bản), giao dịch bằng tiền mặt, và thường không yêu cầu các chứng nhận về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Chỉ một số hộ tiểu điền được yêu cầu xác minh diện tích thanh lý thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND phường, xã xác nhận. Đây là một khó khăn cho chuỗi cung ứng trong việc đáp ứng tuân thủ VNTLAS. Ngoài ra, thông qua gặp gỡ với các Hạt Kiểm lâm – một mắt xích đóng vai trò trong việc thực thi VNTLAS – trên địa bàn, Đoàn Dự án cũng đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo Nghị định 102 do thiếu cơ sở hướng dẫn để tiến hành thủ tục xác minh trước khi xuất khẩu đối với gỗ cao su.
Thông qua hoạt động khảo sát, một báo cáo đánh giá về việc tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS trong chuỗi cung ứng gỗ cao su sẽ được thực hiện nhằm xác định việc tuân thủ, các khó khăn trong việc tuân thủ, từ đó đưa ra các kiến nghị mang tính xây dựng, tạo nền tảng phát triển bộ hồ sơ gỗ hợp pháp dành riêng cho ngành cao su với sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng gỗ.
Ngày 24/02/2021, đoàn Dự án cũng đã có buổi làm việc với Dự án HAWA DDS nhằm tham vấn bộ tiêu chí gỗ hợp pháp do HAWA DDS xây dựng và được NEPCon phát triển. Trong buổi tham vấn, đoàn Dự án với sự tham gia trực tuyến của TS. Nguyễn Tử Kim – Chuyên gia Lâm nghiệp Dự án cũng có những trao đổi về khoảng cách giữa thực tế thu thập được từ hoạt động khảo sát thực hiện trước đó trong tháng 01/2021 và việc xây dựng bộ hồ sơ gỗ hợp pháp theo các tiêu chí. Theo đó, HAWA DDS sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí gỗ hợp pháp – một cơ sở quan trọng để xây dựng bồ hơ gỗ cho ngành cao su Việt Nam. Đoàn Dự án, dựa trên các thông tin thu nhận được, sẽ phát triển cho ngành cao su một bộ hồ sơ riêng biệt, vừa đáp ứng các tiêu chí, vừa phù hợp cho đặc thù ngành cao su.
Buổi tham vấn cũng mở ra cơ hội tích hợp các tiêu chí áp dụng cho ngành gỗ cao su Việt Nam trong hệ thống HAWA DDS, với mục tiêu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đăng ký, khai báo và truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp từ chủ rừng đến doanh nghiệp thu mua gỗ.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hiền Bùi)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>