Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Chuẩn bị của doanh nghiệp ngành cao su trước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập

18/01/2016
Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đã gửi công văn số 2570/UBKT13 đến Hiệp hội Cao su Việt Nam nhằm rà soát sự chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt Nam trước thềm AEC. Theo đó sau khi khảo sát các doanh nghiệp Hội viên, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã có văn bản phúc đáp số 216/HHCS ngày 27/7/2015, báo cáo tình hình chuẩn bị của doanh nghiệp ngành cao su trước thềm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một số kiến nghị, đề xuất như sau:

Về tình hình chuẩn bị của doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam
Các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên đang từng bước cơ cấu lại sản phẩm, giảm suất đầu tư để ứng phó với giai đoạn giá thấp, đặc biệt chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm và uy tín thương mại nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, quan tâm giữ vững khách hàng truyền thống và tìm kiếm đối tác mới. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp rất tích cực tham gia các cuộc hội thảo về đề tài hội nhập nhằm nắm bắt thông tin và tìm giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp. Tuy vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chủ động cập nhật thông tin và chưa có kế hoạch chuẩn bị cụ thể, nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp ngành cao su đã ý thức thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Những thuận lợi, cơ hội - khó khăn, thách thức và rủi ro từ AEC
Thuận lợi, cơ hội đến với các doanh nghiệp cao su nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN sẽ không còn chịu thuế nhập khẩu. Ngược lại, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam cũng sẽ không chịu thuế nhập khẩu, do vậy, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn khi giá của một số mặt hàng cao su ở một số nước trong khu vực thấp hơn mặt bằng chung tại Việt Nam và chất lượng cũng ổn định hơn khiến cao su trong nước đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt với cùng loại mặt hàng từ các nước trong khu vực nhập vào Việt Nam. 
Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên thuộc khối tư nhân đang đối mặt với nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng không ổn định và việc đầu tư, trang bị hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế do nguyên nhân nội tại (như nguồn vốn, nhân lực, quản lý) và các khó khăn khác (như việc được chứng nhận về chất lượng của cơ quan có thẩm quyền…).
 Một số kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và Hiệp hội
- Về định hướng: Ủy ban Kinh tế cần có đề tài nghiên cứu, đánh giá tác động và kế hoạch phát triển riêng đối với từng ngành hàng, cho từng vấn đề hội nhập, giúp cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội nhận biết đầy đủ các vấn đề còn tiềm ẩn rủi ro (như lao động, các vụ kiện chống bán phá giá…) để kịp thời có các giải pháp ứng phó.
- Về quản lý chất lượng trong ngành cao su: Cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng và ban hành, công bố các quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cơ sở sản xuất, chế biến cao su tư nhân và đối với nguyên liệu mủ cao su đầu vào từ các hộ cao su tiểu điền (kèm theo các biện pháp xử lý vi phạm quy chuẩn/tiêu chuẩn đề ra).
- Để tránh gian lận thương mại và cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp trong nước, cần ban hành các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm cao su kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam.
- Cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam như: bổ sung các chính sách về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp; thành lập các hội đồng chuyên môn để hướng dẫn, đào tạo, công nhận, tuyên truyền…
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Việt Hồng, Hoa Trần)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>