Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Liên kết vùng phát huy thế mạnh kinh tế địa phương

07/08/2023

Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0%. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, xu thế kinh tế sắp tới kỳ vọng vào liên kết vùng, phát huy thế mạnh kinh tế tập thể, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, cùng cả nước đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
 


Ngày 03/8/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương do Tạp chí Kinh Doanh thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức. Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành: Liên minh HTX Việt Nam; Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương); Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT); Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT); Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), 200 đại diện của các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% trong nửa cuối năm nay. Dữ liệu thương mại được cải thiện liên tục hàng tháng từ đầu năm 2023 cho thấy sự phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2023”. Để sự phục hồi này đến nhanh hơn đang rất cần vai trò của liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh các địa phương. Bản thân lĩnh vực kinh tế tập thể với 7 triệu thành viên ở các địa phương trong cả nước cũng đang kỳ vọng nhiều vào tác động của liên kết vùng. Đây sẽ là động lực phát huy thế mạnh các địa phương, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trước những thách thức trong tương lai; nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng để giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.
Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; và vùng đồng bằng sông Hồng. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng đã bước đầu phát huy hiệu lực, hiệu quả, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại hạn chế. Cụ thể, kinh tế xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Các vùng trên cả nước nói chung thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới còn đơn lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu hợp tác đa phương. Liên kết đề cập quá nhiều nội dung, khi nguồn lực còn hạn chế, gây khó khăn khi triển khai. Các thỏa thuận liên kết còn hình thức, phối hợp chưa thực chất; các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên quy hoạch và sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; các địa phương trong vùng chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng. Những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động liên kết vùng.
Ông Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.
Theo Ban tổ chức, đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 hợp tác xã, 133 Liên hiệp hợp tác xã, và 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 Tổ hợp tác nông nghiệp), việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô. Tại Diễn đàn, các diễn giả tập trung đề cập những vấn đề những cơ hội và thách thức trong thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam; vai trò của liên kết vùng trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam; một số giải pháp hoàn thiện về thể chế liên kết vùng; liên kết vùng từ góc nhìn địa phương; thực trạng mô hình liên kết vùng ở các địa phương…
TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, hội nhập buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của mình, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng. Với đặc điểm nền kinh tế, sản xuất còn nhỏ lẻ… các vùng ở Việt Nam cần có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chuyển đổi theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng.
Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, hạn chế tổn thất cho người nông dân. Đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối các tỉnh, thành phố; cần chiếm lĩnh thị trường nội địa; hỗ trợ phân phối hàng hóa qua một số kênh nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Central Group, Aeon, Lotte, MM Mega Market...
Quang cảnh Tọa đàm
Các chuyên gia tham dự Diễn đàn cũng đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy liên kết phát triển các địa phương. Qua đó góp phần tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế ở các địa phương, góp phần cùng cả nước đạt được các mục tiêu kinh tế trong thời gian tới.
Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những không gian kinh tế cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng đang ngày càng trở nên quan trọng. Việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang góp phần không nhỏ vào phát triển bền vững nền kinh tế đất nước, thời kỳ hội nhập quốc tế.

N.Dương, nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/lien-ket-vung-phat-huy-the-manh-kinh-te-dia-phuong-643349.html, ngày 03/8/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>