Giới thiệu

Tổng quan

Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hiệp hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động trong ngành cao su hoặc có liên quan đến ngành cao su. Hiệp hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết Hội viên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả; góp phần vào việc phát triển bền vững ngành cao su và kinh tế - xã hội của đất nước.


Hiệp hội bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2004. Đến cuối tháng 11 năm 2019, Hiệp hội có 130 Hội viên gồm doanh nghiệp và tổ chức nhà nước, tư nhân, cổ phần, liên doanh và có vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tài chính, nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ và dịch vụ liên quan đến ngành cao su Việt Nam.
Hiệp hội hiện là Hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Cao su quốc tế (IRA) và Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC). Ngoài ra, Hiệp hội cũng là Hội viên liên kết của Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) và cộng tác viên của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC).
Năm 2006, Hiệp hội đã thành lập Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su (Quỹ) nhằm hỗ trợ tài chính cho Thành viên Quỹ khi gặp rủi ro trong xuất khẩu, sản xuất cao su; hỗ trợ Thành viên Quỹ trong các chương trình xúc tiến thương mại và một phần kinh phí hoạt động của Hiệp hội. Quỹ do các Thành viên tự nguyện tham gia và đóng góp kinh phí với mức không quá 1% doanh thu xuất khẩu.
Từ năm 2015, Hiệp hội đã triển khai Đề án Xây dựng và phát triển Thương hiệu ngành cao su Việt Nam trên cơ sở pháp lý của Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam / Viet Nam Rubber”. Hiệp hội đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu thành công trong nước và tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm. Tính đến cuối tháng 11 năm 2019, sau 4 năm thực hiện, Hiệp hội đã triển khai cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho 14 Hội viên để gắn trên 67 sản phẩm của 25 nhà máy đáp ứng các tiêu chí của Hiệp hội.
Từ năm 2018, Hiệp hội đã đề ra Kế hoạch hành động vì ngành cao su bền vững và thực hiện một số hoạt động bước đầu. Cụ thể là, Hiệp hội đã cùng với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) hợp tác với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam để xây dựng và phổ biến Sổ tay Hướng dẫn quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế. Đồng thời, Hiệp hội cùng với VRG và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam để phát triển Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cao su bền vững. Ngoài ra, Hiệp hội và VRG đang hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ như PanNature, Oxfam Việt Nam, UNDP để xây dựng tài liệu hướng dẫn giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội trong đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài. Hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến để ANRPC xây dựng và triển khai kế hoạch hành động vì ngành cao su thiên nhiên bền vững cho các nước thành viên từ năm 2019.
Một số hoạt động chủ yếu của Hiệp hội Cao su Việt Nam:
Hỗ trợ Hội viên trong các hoạt động sản xuất, xúc tiến thương mại và giao thương, kêu gọi đầu tư, cập nhật thông tin, đặc biệt là thông tin về thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tham dự và tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm, tham quan học tập, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, đào tạo…
Kết nối doanh nghiệp, Hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức liên quan để đề xuất và triển khai các hoạt động hỗ trợ ngành cao su phát triển bền vững, hỗ trợ Hội viên, doanh nghiệp triển khai các phương thức quản lý tiên tiến, hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ luật pháp quốc gia, thông lệ quốc tế và các hiệp ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, ứng dụng công nghiệp 4.0, tận dụng hiệu quả các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do, đề cử trao tặng các danh hiệu khen thưởng về chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại…
Đề xuất giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên Việt Nam trên cơ sở pháp lý hiện hành và yêu cầu mới của thị trường; phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng những quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra để có khung pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng.
Xây dựng và phát triển Thương hiệu ngành cao su Việt Nam thông qua sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam / Viet Nam Rubber” với các tiêu chí tiếp cận những hệ thống chứng chỉ quốc tế phù hợp.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức cao su quốc tế và các quốc gia tiêu thụ cũng như sản xuất cao su để trao đổi thông tin, đóng góp ý kiến về phát triển ngành cao su bền vững, tìm giải pháp cân đối cung cầu làm cơ sở ổn định giá, đa dạng hóa nguồn thu nhập kết hợp đa dạng sinh học để giảm rủi ro cho người trồng cao su; Tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế để tiếp cận xu thế mới của thị trường và giới thiệu các thành tựu của ngành cao su Việt Nam.
       Tiếp tục phát triển Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ tài chính.


Quay về