Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Nâng cấp chiến lược hút FDI từ thuế tối thiểu toàn cầu

07/08/2023

Để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. 


Các chuyên gia cho rằng không quá lo ngại việc thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) được áp dụng sẽ khiến Việt Nam (VN) mất đi sức hút đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều cần làm hiện nay là VN cần phải quyết liệt đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh một cách chất lượng hơn và phải làm tốt hơn quốc gia khác để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.
Ảnh minh họa
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho rằng cần có sự cạnh tranh bằng môi trường đầu tư. Ông Lực khẳng định nếu không thực thi thuế TTTC thì VN sẽ mất đi phần thuế bổ sung từ các doanh nghiệp (DN) FDI, chậm cải cách hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế, bị động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Kể cả không áp dụng thì cũng không mang lại lợi thế cho DN FDI hoạt động tại VN vì họ vẫn phải nộp thuế tại quốc gia họ đóng trụ sở. VN vẫn có lợi ích khi áp dụng thuế TTTC vì có thể tăng nguồn thu từ thuế, qua đó có nguồn lực đầu tư cho môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, sau câu chuyện này, VN phải thay đổi cơ chế, chính sách, luật, quy định có liên quan đến thuế; thúc đẩy cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.  “Vì thuế TTTC áp dụng mức thu thuế 15% thì câu chuyện ưu đãi thuế không còn là công cụ hữu hiệu. Khi ưu đãi thuế mất đi thì để thu hút đầu tư FDI, VN phải cải thiện rất nhiều đến môi trường đầu tư kinh doanh. Lúc này, VN cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp với quy định pháp luật liên quan. Đồng thời cần sớm rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế, vì đây vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư”, TS Lực chia sẻ.
Theo quan điểm ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, các công ty FDI đầu tư vào VN thường được hưởng thuế suất ưu đãi, có thể bao gồm mức 0% trong những năm đầu hoạt động. Sau đó tăng dần lên mức thuế thu nhập DN là 20% trong một khoảng thời gian có thể lên đến 10 năm. Năm 2021, hơn 100 quốc gia bao gồm cả VN đã đồng ý với đề xuất của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) về việc áp dụng thuế TTTC là 15% từ năm 2023 đối với những DN có thu nhập hợp nhất trên 750 triệu euro. VN đang chuẩn bị triển khai cơ chế thuế TTTC vào năm tới và khoảng 70 công ty ở VN có thể bị tăng thuế suất nếu cơ chế thuế mới được áp dụng. Đồng thời, ông Michael Kokalari chia sẻ rằng: “Một số thị trường mới nổi trong khu vực được cho là đang nghiên cứu các hỗ trợ thay thế nhằm bù đắp gánh nặng từ việc đóng thuế ở mức cao hơn của các công ty”. Điển hình như một số khoản thu thuế bổ sung sẽ được chuyển vào quỹ hỗ trợ kinh doanh để trợ cấp chi phí sản xuất của các công ty đó. Các khoản trợ cấp này có thể là giá điện, chi phí xây dựng nhà máy mới, hỗ trợ nhà ở cho công nhân. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, thuế suất thấp không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của công ty về địa điểm đầu tư cho nhà máy mới. Các yếu tố khác như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng với tiền lương hợp lý và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn. Thuế TTTC khó có khả năng cản trở dòng vốn FDI của VN, do thực tế là các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính để thành lập nhà máy ở VN. Hơn nữa, cũng giống như các chính phủ khác trong khu vực, Chính phủ VN sẽ tìm ra giải pháp thay thế về cơ bản để cân bằng các nghĩa vụ về thuế.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng VN nên phát huy các lợi thế riêng. Nếu chúng ta chậm triển khai thực thi thuế TTTC sẽ khó duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với các DN FDI. Vì lúc này, nhiều DN FDI đã bắt đầu dõi theo chính sách thuế của VN cũng như nhiều nước khác. Rõ ràng trong thời gian tới, ứng phó của Chính phủ buộc phải sửa đổi chính sách luật lệ nội địa. Thời điểm này là rất gấp gáp, vì còn chưa đầy một năm là thuế TTTC có hiệu lực. Trong khi quy trình sửa đổi luật tiêu tốn nhiều thời gian, chưa kể phải tính toán các giải pháp cần hài hòa, phù hợp với chính sách thuế TTTC. Trong câu chuyện này, Chính phủ không thể làm việc một mình mà cần phải hợp tác và tham vấn với cộng đồng DN và quốc tế. Ngoài ra, ông Hiếu đưa ra lời khuyên rằng VN phải đi song song hai vấn đề, một mặt rà soát các ưu đãi để có những sửa đổi, điều chỉnh hoặc bổ sung phù hợp. Thứ hai, phải cải cách môi trường kinh doanh ở mức đổi mới, quyết tâm hơn và phạm vi cải cách rộng hơn, đặt trong bối cảnh phải tốt hơn quốc gia khác để thu hút dòng vốn FDI. Chẳng hạn, môi trường đầu tư kinh doanh phải thuận lợi hơn, an toàn hơn, chi phí kinh doanh rẻ hơn, hiệu quả hơn và hợp lý hơn. Bên cạnh đó là phát huy các yếu tố khác mà các quốc gia khác không thể có được như thị trường, chất lượng lao động, các hạ tầng về kinh tế – xã hội.
TS Daniel Borer từ Đại học RMIT Việt Nam nhận thấy thuế TTTC có thể làm nản lòng các khoản đầu tư vào những khu vực pháp lý có mức thuế thấp như VN vì các lợi thế về thuế sẽ bị giảm đi. Mặt khác, chương trình này có thể thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia có cơ sở hạ tầng vững chắc, lao động lành nghề và các yếu tố phi thuế hấp dẫn vì ít phải cân nhắc về thuế hơn. Do đó, VN cần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp thu hút nhiều FDI hơn và có thể thực hiện được thông qua việc triển khai tăng cường số hóa, nâng cao tính minh bạch. VN cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chính sách và thực tiễn đầu tư. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc, quy định rõ ràng, nhất quán; thực thi chúng một cách công bằng, đồng nhất. Chất lượng cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, viễn thông và năng lượng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút FDI.

Phương Minh – Quang Huy, nguồn: https://plo.vn/nang-cap-chien-luoc-hut-fdi-tu-thue-toi-thieu-toan-cau-post744963.html, ngày 02/8/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>