Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho doanh nghiệp xuất khẩu

24/07/2023

Doanh nghiệp sẽ có thêm giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
 


Ngày 20/7/2023 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty OLEA Global tổ chức hội thảo “Hỗ trợ Tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”. Sự kiện nhằm hỗ trợ cộng đồng nghiệp xuất khẩu có thêm các giải pháp tài chính thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng kim ngạch trao đổi thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam cùng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về các chính sách tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, tận dụng lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do để thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời giới thiệu về việc hỗ trợ các khoản phải thu cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng công nghệ của OLEA, bảo hiểm trong tài trợ thương mại...
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ảnh: VCCI cung cấp
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó chủ tịch VCCI cho biết, từ sau khi Việt Nam thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với các nước và khu vực; trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)... tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các khu vực thị trường lớn của thế giới tăng trưởng rất tích cực. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh và tiến tới mức 200% GDP. Điều này, thể hiện sự tham gia và phụ thuộc vào thị trường thế giới của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao. Đi kèm với đó là rủi ro từ biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và 3/4 giá trị xuất khẩu là từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong thời gian tới, với việc tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự hưởng lợi thì cần thiết phải phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu và khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể khai thác và tận dụng tốt hơn các lợi ích từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Theo ông Nghĩa, mặc dù việc xuất khẩu của Việt Nam có những tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, nhưng nửa cuối năm 2022 và đầu 2023, hoạt động xuất khẩu đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam chịu ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và suy giảm nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh việc tận dụng lợi thế từ các FTA, tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, thì các biện pháp và giải pháp tài trợ, cấp vốn cho xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng rất quan trọng. Các ngân hàng và các tổ chức tài chính đã có nhiều chương trình ưu đãi, chương trình tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả trong thanh toán quốc tế với các dịch vụ tài chính, thanh toán đa dạng (như thư tín dụng, bảo lãnh, nhờ thu…) cùng những dịch vụ hỗ trợ tránh các rủi ro về tỷ giá để từng bước cải thiện giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, phát triển khách hàng, thị trường trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.
“Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đang triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và tăng cường các nguồn, các giải pháp về tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, VCCI đã hợp tác với các ngân hàng; trong đó có các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank… hay Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những hoạt động kết nối giữa các tổ chức tài chính với doanh nghiệp”, ông Nghĩa cho biết.
Bà Letitia Châu, đại diện OLEA cho biết, hội thảo “Hỗ trợ Tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam” được tổ chức với mong muốn tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thêm điều kiện tiếp cận và nhận sự truyền thông về thực trạng, giải pháp cho doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ số của OLEA.
Hội thảo này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp nhận thông tin từ những chuyên gia kinh tế và hội nhập quốc tế về bức tranh chung của nền kinh tế cùng với những cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ các Hiệp định Thương mại tự do để thúc đẩy việc xuất khẩu của mình. OLEA cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn quá trình tiếp cận và triển khai, nhanh chóng có nguồn tài chính để bổ sung cho hoạt động của mình, sớm đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay cùng nhiều năm tới.

Ngọc Quỳnh, nguồn: https://bnews.vn/ho-tro-tai-chinh-tren-nen-tang-cong-nghe-cho-doanh-nghiep-xuat-khau/300048.html, ngày 20/7/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>