Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên – cho biết: TPP là Hiệp định vô cùng quan trọng, sẽ giúp Việt Nam (VN) tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả. Tuy nhiên, VN phải có những bước chuẩn bị mở cửa thị trường. Trong đó, 3 lĩnh vực quan trọng cần chuẩn bị là tài chính, ngân hàng và phát triển doanh nghiệp.
Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia độc lập, VN có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. TPP có thể giúp GDP của VN tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025.
Đối với xuất khẩu, việc các nước giảm thuế nhập khẩu về 0%, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản… sẽ tạo cú hích lớn cho hàng hóa VN. Riêng ngành dệt may, da giày có thể tăng kim ngạch xuất khẩu đáng kể. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có cơ hội xuất khẩu lớn.
Bên cạnh những thuận lợi lớn, VN cũng đứng trước nhiều thách thức. Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu của VN chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu là mặt hàng có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như may mặc, giày dép, đồ nội thất… Các mặt hàng nhập khẩu vào VN mà Hoa Kỳ và các nước khác trong TPP đang có thế mạnh, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà, sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn. Nhiều sản phẩm công nghiệp sẽ gây khó khăn cho sản xuất của VN như ô tô, thép, giấy.
Những thách thức cạnh tranh có thể dẫn đến việc phá sản ở các doanh nghiệp có năng lực yếu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp đứng trước sự cạnh tranh gay gắt và nông dân là đối tượng dễ tổn thương.
Tại Hội thảo, các chuyên gia ngành ngân hàng cũng lưu ý: Để chuẩn bị tham gia TPP, các ngân hàng trong nước cần đầu tư hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các ngân hàng cũng cần xây dựng hệ thống nhân lực theo chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực quản trị và năng lực tài chính.