Người dân chăm sóc, khai thác mủ cao su tại xã Ea Bar, huyện Sông Hinh (Ảnh: NGÔ XUÂN)
Người trồng có lãi
Theo các hộ trồng cao su ở huyện Sông Hinh, hiện đang vào mùa khai thác mủ. Đầu vụ, mủ cao su đạt sản lượng, giá ổn định với mức 247 đồng/độ mủ, tương đương 11.600 – 12.000 đồng/kg mủ nước. Với mức giá này, người trồng cao su có lãi đáng kể. Ngoài nguồn thu nhập cho gia đình, các vườn cao su vào mùa thu hoạch còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, với những người cạo cao su quen việc và chịu khó có thể thu nhập từ 350.000 – 400.000 đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Đức Phong trồng cao su ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, phấn khởi nói: “Sau nhiều năm rớt giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá cao su bắt đầu nhích từ 210 đồng/độ mủ lên 250 – 310 đồng/độ mủ nên chúng tôi tập trung đầu tư, khai thác mủ. Gia đình tôi trồng gần 2 ha cao su từ năm 2011; hiện đã thu hoạch đến năm thứ 4. Thời điểm này, bình quân mỗi tháng gia đình tôi cạo 15 nhát (15 lần cạo), với độ mủ trung bình đạt khoảng 37 độ; trừ hết chi phí còn khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng”.
Còn ông Nguyễn Văn Hạnh ở xã Ea Ly, huyện Sông Hinh bày tỏ: “Gia đình tôi có 500 gốc cao su đã trồng được 11 – 12 năm tuổi. Năm nay, độ mủ đạt cao, giá cao su cũng cải thiện đáng kể. Thời điểm đầu mùa, vườn cao su của gia đình tôi đạt 48 độ mủ; đến nay giảm còn khoảng 43,9 độ mủ. Với giá bình quân 247 đồng/độ mủ, người trồng cao su có lãi hơn so một số cây trồng khác”.
Đầu tư, chăm sóc cây cao su
Theo người trồng cao su, loại cây trồng này chỉ tốn kinh phí đầu tư trong thời gian đầu. Cây cao su chỉ cần bón phân 1 lần trong 3 năm. Người trồng có thể tận dụng các loại phân chuồng, phân xanh hữu cơ (ủ từ lá cây) để bổ sung dinh dưỡng cho cây cao su nên không tốn nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc, phân thuốc như nhiều cây trồng khác. Mùa khai thác mủ cao su ở Phú Yên thường bắt đầu sau vụ khai thác của các vựa cao su ở khu vực Đông Nam Bộ khoảng 1 tháng, bắt đầu từ tháng 6 năm trước đến tháng 2 năm sau. Thế nhưng, vùng núi Phú Yên thời điểm này thường có mưa nên gây không ít trở ngại cho việc khai thác mủ. Do vậy, người dân đang tìm cách thu hoạch mủ cao su trong thời tiết mưa mà không ảnh hưởng đến chất lượng mủ cũng như cây cao su, chủ động được thời gian khai thác và tăng sản lượng khai thác mủ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Sông Hinh, do ảnh hưởng của trận bão năm 2017, nhiều diện tích cao su trên địa bàn huyện Sông Hinh bị gãy đổ, thiệt hại gần 500 ha. Thời điểm đó, giá cao su thấp nên người dân không mặn mà trồng lại. Đến cuối năm 2019, giá cao su bắt đầu hồi phục, nhiều người dân đầu tư trồng mới được khoảng 400 ha. Một số gia đình cũng đầu tư chăm sóc, vệ sinh vườn cây, thay thế vật tư thu hoạch mủ để đảm bảo cho hoạt động khai thác. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Sông Hinh có khoảng 4.000 ha cao su; trong đó khoảng 3.300 ha đang trong độ tuổi khai thác, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bar, Ea Ly, Ea Trol, Sông Hinh, Đức Bình Đông... Hiện nay, năng suất bình quân vườn cao su trên địa bàn khoảng 1,8 tấn/ha; cá biệt có những trường hợp đạt gần 3 tấn/ha. Với mức giá bình quân khoảng 11.600 – 12.000 đồng/kg mủ nước (thời điểm đầu vụ), người trồng cao su lãi khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha. Nếu mức giá này ổn định thì bà con có nguồn thu nhập tương đối so với những loại cây trồng khác trong thời điểm hiện nay. Theo quy hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 6.000 ha cao su. Trong đó, huyện Sông Hinh phấn đấu đạt khoảng 5.000 ha. Hiện giá cao su đang hồi phục nên địa phương khuyến khích người dân trồng lại một số diện tích cao su; đồng thời tăng cường đầu tư, chăm sóc để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng mủ cao su.