Tin tức >> Tin cao su trong nước

Lào Cai: “Giữ” hay “bỏ” cây cao su

26/06/2023

 Các địa phương trong tỉnh vẫn băn khoăn giữa việc “giữ” hay “bỏ” cây cao su, vì cây trồng này chưa mang lại nguồn lợi kinh tế như kỳ vọng.


Chương trình thí điểm phát triển cây cao su tại tỉnh Lào Cai đến nay bước sang năm thứ 13, nhiều diện tích trồng cây cao su đã đến tuổi khai thác mủ. Tuy nhiên, diện tích cây cao su cho mủ thấp, sản lượng mủ những năm đầu khai thác chưa cao, giá mủ liên tục giảm, khiến người trồng cao su ở các địa phương băn khoăn, lo lắng.

Một số diện tích trồng cao su ở xã Bản Vược
đến tuổi nhưng chưa được khai thác mủ
Ông Chảo Trần Ton, Bí thư Chi bộ thôn Sơn Hải, xã Bản Vược (Bát Xát) cho biết, năm 2014, gia đình góp 5 ha đất trồng cao su cùng Công ty CP Cao su Dầu Tiếng – Lào Cai, nhưng đến nay vẫn chưa được thu hoạch mủ. Gia đình chưa ký được hợp đồng với công ty vì một số diện tích đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với diện tích này, dù trồng cây nông nghiệp ngắn ngày hay trồng rừng sản xuất thì từng ấy năm gia đình sẽ thu được một khoản đáng kể. Gia đình mong công ty và cơ quan chức năng có giải pháp để có thể thu hoạch mủ cao su hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. “Qua nắm nguyện vọng của người dân, nhiều hộ trong thôn muốn chính quyền địa phương và Công ty CP Cao su Dầu Tiếng – Lào Cai đưa ra phương án giải quyết dứt điểm với loại cây trồng này để người dân yên tâm phát triển sản xuất, không thể để lãng phí tư liệu sản xuất trong khi đời sống người dân gặp khó khăn”, ông Ton cho biết.
Tại Hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2023 của Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh mới đây, đồng chí Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát cho biết: Toàn huyện hiện có gần 880 ha cây cao su nhưng gần như không khai thác hoặc khai thác không hiệu quả. Vì vậy, địa phương đề nghị tỉnh, ngành nông nghiệp xem xét làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để rà soát, đánh giá, sớm có phương án cụ thể đối với loại cây trồng này.
Tại xã Bản Lầu (huyện Mường Khương), cây cao su cũng được người dân trồng trong giai đoạn 2008 – 2014 với tổng diện tích 220 ha, trong đó 100 ha được hỗ trợ theo Quyết định 3926 ngày 31/12/2010 của UBND tỉnh quy định tạm thời về một số chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2010 – 2015 theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư. Đến nay, xã Bản Lầu có 170 ha cây cao su đến tuổi khai thác mủ. Từ năm 2018 – 2019, đã có một số hộ khai thác thử mủ cao su (12 ha), sản lượng mủ bình quân đạt 0,2 – 0,3 kg/cây/lần khai thác, đạt 400 – 600 kg mủ/ha/tháng, giá trị sản lượng đạt 4 – 6 triệu đồng/ha/tháng.
Từ năm 2020 đến nay, giá mủ cao su xuống thấp, không có tư thương mua nên hầu hết diện tích trồng cao su không được người dân xã Bản Lầu khai thác. Nhiều hộ phá bỏ diện tích trồng cao su (27 hộ phá bỏ 47,8 ha) để chuyển sang các loại cây trồng khác (dứa, xoài, mít, quế…). Gia đình anh Đặng Văn Dương, thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu trồng hơn 4 ha cây cao su, hầu hết các diện tích đủ tuổi thu hoạch mủ. Hiện tại, gia đình anh đang khai thác thử nghiệm 480 cây trên diện tích hơn 1 ha. Sau hai vụ thu hoạch, gia đình anh Dương bán mủ được 7 triệu đồng. Anh Đặng Văn Dương cho biết do gia đình chưa có thời gian cạo mủ, giá mủ lại thấp nên thu nhập từ cây cao su chưa cao. Dù lo lắng về giá nhưng gia đình vẫn muốn giữ cây trồng này. Bỏ công trồng, chăm sóc hơn 10 năm nên việc phá bỏ để chuyển sang cây khác là quyết định không dễ dàng. Hiện nay, gia đình kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán cao su để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu 10 năm nữa, giá mủ cao su vẫn thấp thì gia đình sẽ phá bỏ cây cao su để chuyển sang cây trồng khác.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 1.900 ha cây cao su. Mặc dù diện tích cây cao su đến tuổi khai thác chiếm tỷ lệ tương đối lớn, nhưng sản lượng khai thác mủ đến nay vẫn rất “khiêm tốn”. Tại Hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2023 của Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh vừa qua, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp phải khẩn trương rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cây cao su. Sớm thể hiện thái độ, quan điểm rõ ràng về việc “giữ” hay “bỏ” loại cây trồng này.
Trao đổi với phóng viên Báo Lào Cai về quan điểm của doanh nghiệp đối với cây cao su, ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Công ty CP cao su Dầu Tiếng – Lào Cai cho rằng, cây cao su tại Lào Cai hiện cho sản lượng tương đối thấp (trung bình 7 tạ mủ khô/ha/năm) do đa số diện tích đang ở thời kỳ đầu khai thác, cây đang làm quen với quá trình khai thác mủ. Khi tuổi cây càng cao (khai thác từ năm thứ 6 trở đi), sản lượng khai thác mủ sẽ tăng dần, có thể đạt 2 tấn mủ khô/ha/năm, tính cả chu kỳ khai thác (20 năm), sản lượng trung bình vẫn đạt 1,4 tấn mủ khô/ha/năm. Do vậy, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để đánh giá hiệu quả của cây cao su trồng tại Lào Cai.
 
Cũng theo chia sẻ của ông Việt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vẫn duy trì và phát triển diện tích trồng cây cao su tại khu vực Tây Bắc, trong đó có tỉnh Lào Cai. Riêng Công ty CP Cao su Dầu Tiếng – Lào Cai, dự kiến từ nay đến năm 2025, công ty cần khoảng 500 công nhân để khai thác hơn 1.469 ha cao su hiện có. VRG đã có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại Lào Cai, công suất 3.000 tấn/năm phục nhu cầu chế biến cao su tại các tỉnh khu vực Tây Bắc. VRG cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến gỗ cao su khi cây cao su tại khu vực Tây Bắc chuẩn bị hết chu kỳ khai thác mủ.
Được trồng hơn 13 năm nhưng khai thác mủ cây cao su vẫn là công việc mới đối với nông dân các địa phương trong tỉnh. Do chưa giải được bài toán về hiệu quả kinh tế nên băn khoăn, e ngại vẫn là tâm lý thường trực đối người dân trồng cao su. Ngay lúc này, các cấp, các ngành, doanh nghiệp cần rà soát, đánh giá, khẳng định quan điểm rõ ràng đối với cây cao su để người dân bớt hoang mang, yên tâm phát triển sản xuất.
Đức Phương, nguồn: https://baolaocai.vn/giu-hay-bo-cay-cao-su-post369703.html, ngày 17/6/2023 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>