Tại Bình Phước, khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào trồng sầu riêng phát triển rầm rộ. Nhiều diện tích cây trồng như điều, tiêu, cà phê, cao su... bị chặt hạ để trồng sầu riêng vì được đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao, gấp nhiều lần so với loại cây trồng khác. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, diện tích sầu riêng đến cuối năm 2022 đạt 4.802 ha (tăng khoảng 28,4% so với năm 2021). Trong khi đó, diện tích cây hồ tiêu ghi nhận giảm 1.144 ha, cây cà phê giảm 604 ha trong năm 2022.
Vườn sầu riêng bạt ngàn tại xã Phước Tín (TX. Phước Long)
Bạt ngàn sầu riêng
Ghi nhận của báo Thanh Niên tại xã Phước Tín (TX. Phước Long) và xã Phước Tân (H. Phú Riềng) cho thấy, bạt ngàn những vườn sầu riêng đang cho thu hoạch cũng như vừa được trồng từ 1 đến 3 năm tuổi. Anh Bùi Trung Tín (ngụ xã Phước Tân) cho biết, gia đình có gần 10 ha trước đây trồng điều, cao su. Sau khi nhận thấy giá trị kinh tế cao của trái sầu riêng, anh Tín chuyển đổi qua trồng theo kiểu “cuốn chiếu” từ diện tích nhỏ, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm và đánh giá thị trường. Đến nay, anh Tín đã có 6 ha sầu riêng. Trong đó có 2 ha cho thu hoạch, 4 ha cũng vừa được trồng từ 1 đến 2 năm tuổi. “Người dân khi chuyển đổi qua cây sầu riêng cần phải tìm hiểu, học hỏi của những người đi trước. Từ kỹ thuật chăm sóc, các khâu chọn giống, làm đất, làm hệ thống tưới..., qua đó rút kinh nghiệm, áp dụng cho vườn mình”, anh Tín chia sẻ.
Cũng có 5 ha sầu riêng, trong đó có 2 ha đã cho thu hoạch, anh Phạm Văn Quân (ngụ xã Phước Tân) nhận định, trồng cây sầu riêng không dễ như các loại cây công nghiệp khác. Người dân khi đang có thu nhập ổn định từ các loại cây trồng lâu năm nên cân nhắc khi chuyển đổi qua cây sầu riêng toàn bộ diện tích, hay từng phần. “Tôi thấy nhiều hộ xung quanh đang chuyển từ cây cao su và điều qua sầu riêng ồ ạt, đa phần là tự phát, chưa có định hướng rõ ràng về đầu ra cũng như kỹ thuật. Sầu riêng là cây trồng có chi phí đắt đỏ nên người dân phải cân nhắc thật kỹ vì khi chuyển đổi sẽ mất nguồn thu từ cây trồng đang có sẵn’’, anh Quân lo lắng. Anh Quân cũng bày tỏ “Bà con trồng sầu riêng nên tham gia vào các hợp tác xã (HTX) hoặc tổ hợp tác đã có đầu ra hoặc những người thu mua để đảm bảo xuất bán thuận lợi hơn. Đồng thời, tôi cũng mong nhà nước sẽ có cơ chế quản lý để đảm bảo việc xuất khẩu bền vững. Một số vùng đất không phù hợp cho việc trồng cây sầu riêng, nhà nước cũng nên có khuyến cáo đến bà con”. Anh Nguyễn Minh Hiếu (Chủ sở hữu của Gia Bảo Ecofarm, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước) cho biết: “Cây sầu riêng là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng yêu cầu kỹ thuật canh tác cũng rất cao. Vì vậy, khi muốn chuyển đổi sang loại cây này, mọi người nên tìm hiểu kỹ. Kể cả những nhà vườn canh tác lâu lắm rồi nhưng vẫn có thể xảy ra các vấn đề do sâu bệnh, đặc biệt hơn là thời tiết cực đoan. Người dân cần cân nhắc chuyển đổi cây trồng toàn diện hay cuốn chiếu’’.
Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Sở NN–PTNT tỉnh Bình Phước thừa nhận, hiện nay sầu riêng mang lợi nhuận cao cho người trồng, do đó đang có hiện tượng người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Sở NN–PTNT tỉnh cũng đã đề nghị các địa phương định hướng, quản lý, phát triển sầu riêng theo quy hoạch. Đồng thời có những khuyến cáo người dân cần tìm hiểu thật kỹ về kỹ thuật, đặc biệt khả năng phù hợp với đất, nước rồi các điều kiện chăm sóc, canh tác để đạt các tiêu chuẩn, chất lượng cũng như năng suất. “Thực tế, sầu riêng là cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao và cả năng lực đầu tư của người trồng. Do vậy không thể phát triển một cách ồ ạt, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, rồi cung vượt cầu, chất lượng và sản lượng không đảm bảo dẫn đến khó khăn, thiệt hại lớn sau này. Về mặt quản lý, chúng tôi cũng sẽ tham mưu, phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, tập huấn kỹ thuật và tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát vật tư, cây giống trong quá trình sản xuất đầu vào để đảm bảo được chất lượng trong các sản phẩm cho người trồng sau này’’, ông Trần Văn Phương thông tin thêm.