Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED)
ở Washington DC – Ảnh: Reuters
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã chạy đua tăng lãi suất trong năm nay, với tốc độ và quy mô của cuộc đua là lớn nhất trong ít nhất hai thập kỷ, khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ hạ quyết tâm “tất tay” để kiểm soát sự leo thang của lạm phát. Theo số liệu của hãng tin Reuters, nhóm 10 ngân hàng trung ương quản lý 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới đã tăng lãi suất tổng cộng 27 điểm phần trăm trong 54 lần nâng trong vòng 12 tháng qua.
Tất cả các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, ngoại trừ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đều đã tăng lãi suất trong năm nay. Dù vậy, trong tháng 12 này, các quan chức của BOJ cũng khiến thị trường tài chính toàn cầu sửng sốt khi điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), bằng cách nơi biên độ dao động cho phép của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm. Động thái này làm dấy lên những đồn đoán cho rằng BOJ đang tiến tới tăng lãi suất trong thời gian không xa. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu cuộc đua lãi suất toàn cầu năm nay thuộc về Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), với tổng mức nâng 4,25 điểm phần trăm. Fed dự kiến kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, khiến thị trường lo ngại về nguy cơ suy giảm mạnh của tăng trưởng kinh tế.
“Khi nhìn vào những đợt thắt chặt chính sách tiền tệ ở Hoa Kỳ, có thể thấy đây là chù kỳ tăng lãi suất mạnh nhất trong 40 năm qua”, chiến lược gia trưởng David Hauner của Bank of America Global Research nhận định. “Thông thường, khi điều kiện tài chính thắt chặt mạnh mẽ đến như vậy, hệ quả sẽ nhiều hơn một cuộc suy thoái nhẹ – điều mà dường như đang là sự đồng thuận chung của các nhà dự báo”.
Tổng mức tăng (màu xanh) và giảm (màu đỏ) của lãi suất điều hành của 10 ngân hàng trung ương quản lý 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới qua các năm – Nguồn: Reuters
Riêng trong tháng 12 này, trong số 10 ngân hàng trung ương lớn, có 7 ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Số này bao gồm Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Australia (RBA), Ngân hàng Trung ương Na Uy (NB), Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) và Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB). Tổng lượng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương này trong tháng 12 là 3 điểm phần trăm, đã giảm gần một nửa so với mức tăng đỉnh là tổng cộng 5,5 điểm phần trăm thiết lập vào tháng 9 năm nay. Dù vậy, không phải ngân hàng trung ương nào cũng tổ chức cuộc họp định kỳ hàng tháng về chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) và Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển (Riksbank) không họp chính sách tiền tệ trong tháng 12. Ngoài ra, có nhiều bằng chứng khác cho thấy chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi cũng đang giảm tốc. Trong số 18 ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi lớn, chỉ có 5 ngân hàng trung ương tăng lãi suất trong tháng 12, với tổng mức tăng 2,6 điểm phần trăm, giảm từ mức 4 điểm phần trăm trong tháng 11 và mức đỉnh trên 8 điểm phần trăm thiết lập trong tháng 6 và tháng 7.
Phần lớn các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi tăng lãi suất trong tháng 12 này là ở khu vực châu Á, nơi chậm trễ hơn so với các nước ở khu vực Mỹ Latin và châu Âu mới nổi trong chu kỳ tăng lãi suất này. Các ngân hàng trung ương của Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Columbia và Mexico đều tăng lãi suất. Đến thời điểm này, “hầu hết các ngân hàng trung ương đã tiến gần tới chỗ hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất”, Giám đốc đầu tư Charles–Henry Moncheau của Syz Group nhận định. Cả năm nay, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi đã tăng lãi suất 93 lần, với tổng mức nâng là 74,25 điểm phần trăm, nhiều gấp gần 3 lần so với tổng mức tăng 27,45 điểm phần trăm trong năm 2021 – theo Reuters. Các ngân hàng trung ương của Hàn Quốc, Nam Phi, Thái Lan, Malaysia và Israel không họp chính sách tiền tệ trong tháng 12.
Bình Minh, nguồn: https://vneconomy.vn/the-gioi-da-tang-lai-suat-bao-nhieu-trong-nam-2022.htm, ngày 28/12/2022 (TN trích dẫn)