Ngày 31/7/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ–CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Ông Nguyễn Quốc Trị – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để quản lý và khai thác đúng mục đích, hiệu quả 15,85 triệu ha đất lâm nghiệp; trong đó trên 14,8 triệu ha có rừng, các cơ quan có thẩm quyền đã ban thành 65 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này; trong đó có 1 luật, 16 nghị định… Từ đầu năm đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, được Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 nghị định; trong đó 4 nghị định thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, Nghị định số 91/2024/NĐ–CP có hiệu lực ngay khi ban hành (18/7/2024). Đây là nghị định có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan đa dạng, nội dung nhiều và nhiều nội dung khó. Thứ trưởng kỳ vọng nghị định sẽ sớm giải quyết được các quy định mà thực tiễn còn thiếu, chưa phù hợp trong lâm nghiệp, để lâm nghiệp đóng góp nhiều hơn trong phát triển bền vững về kinh tế xã hội và môi trường.
Thông tin về một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 91/2024/NĐ–CP, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, nghị định đã bổ sung quy định về điều chỉnh tăng, giảm diện tích khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; chuyển loại rừng đặc dụng; về tiêu chí, trình tự thủ tục điều chỉnh phân khu chức năng của rừng đặc dụng. Về quản lý hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, nghị định bổ sung quy định cụ thể hơn lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ. Chủ dự án thuê môi trường rừng không phải thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích thuê môi trường. Nghị định quy định cụ thể về quản lý các hoạt động xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng…
Đặc biệt về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nghị định quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng chỉ còn 1 cấp là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (không còn cấp Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; HĐND quyết định chủ trương gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng; không phân biệt về quy mô diện tích rừng để trình các cấp khác nhau). Đối với dự án dự án đầu tư có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh thì văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án đồng thời là chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án. Nghị định cũng quy định rõ tiêu chí dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và đã được mở rộng hơn về đối tượng (bổ sung dự án Khu công nghiệp, cụm công nghiệp).
Những công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ và phát triển rừng sẽ không phải thực hiện quy định về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đơn giản về hồ sơ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (từ 50 ngày xuống 35 ngày).
Bích Hồng, nguồn: https://bnews.vn/nhieu-diem-moi-trong-chuyen-muc-dich-su-dung-rung/342190.html, ngày 31/7/2024 (TN trích dẫn)