Với tín hiệu từ các thị trường nhập khẩu đang tốt dần lên kể từ đầu quý II năm 2024 cho đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa Việt Nam cũng thúc đẩy các đơn hàng; trong đó có đơn hàng ngành gỗ và sản phẩm gỗ, điều này giúp cho ngành gỗ khởi sắc và thêm nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023. Với dấu hiệu tăng trưởng này, các doanh nghiệp ngành gỗ cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng; trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý II và cả năm 2024.
Đóng gói sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Dương.
Ảnh: TTXVN phát
Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành chương trình Chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends chia sẻ năm 2023 là một năm nhiều biến động với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tác động của sự suy giảm kinh tế tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt, xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, đặc biệt tại EU và một số yếu tố vĩ mô khác khiến cho cầu tiêu dùng đồ gỗ giảm mạnh. Mặc dù vậy, sang năm 2024 ngành gỗ Việt Nam đã dần khởi sắc bởi nhu cầu đã quay trở lại.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ... Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn.
Mặc dù nhiều thuận lợi nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng; sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái..., đặt ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt với các nhà sản xuất, cung ứng đồ gỗ trong nước. Gần đây nhất là Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đối với các sản phẩm gỗ cao su. Theo quy định này, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cao su vào châu Âu có thời gian 18 tháng (công ty lớn) hoặc 24 tháng (công ty nhỏ và vừa) để chuẩn bị cho việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR.
Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ thêm.
Ở góc độ thị trường, ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nhận định Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ gia tăng góp phần thúc đẩy ngành gỗ đạt được kết quả tích cực trong những tháng năm 2024, bởi kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 53,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Để ngành gỗ phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đáng chú ý, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Sự phục hồi đáng kể kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ trong những tháng đầu năm 2024 là nhờ nhu cầu của thị trường tăng và hàng tồn kho giảm. Các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất quan trọng trên thế giới. Điều đó thể hiện rõ khi Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ số 1 cho Hoa Kỳ. Đây sẽ là nền tảng để xuất khẩu bứt phá tại thị trường này nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chính đang là điểm yếu của Việt Nam. Minh chứng là khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ giảm, trị giá xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hoá và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro, ông Nguyễn Liêm chia sẻ thêm.
Hồng Nhung, nguồn: https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-go-tang-truong-tich-cuc-nho-tin-hieu-tot-tu-cac-thi-truong-chau-au-my-post954834.vnp, ngày 22/5/2024 (HG trích dẫn)