Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu

30/10/2023

Trước những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu.
 


Kinh tế bên ngoài biến động
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, thách thức nhiều hơn so với dự báo như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine gay gắt, gần đây là xung đột tại Dải Gaza; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ quý I tăng 1,8%, quý II tăng 2,6%; tương ứng EU tăng 1,1% và 0,5%; Nhật Bản tăng 2,0% và 1,6%; Hàn Quốc tăng 0,9% và 0,9%; Singapore tăng 0,4% và 0,5%; Thái Lan tăng 2,6% và 1,8%… Riêng Trung Quốc quý I tăng 4,5% và quý II tăng 6,3%.
Trong khi đó, lạm phát neo ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao. Tính chung từ đầu năm đến 15/10/2023, trên thế giới có 145 lượt tăng và 52 lượt giảm lãi suất; trong đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất tiền gửi 6 lần, lên 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 1999; Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất 4 lần, lên 5,25 -5,5% trong tháng 7/2023, cao nhất trong 22 năm qua; Ngân hàng Trung ương Anh (BOA) tăng lãi suất 5 lần, lên 5,25%, cao nhất trong 15 năm qua…
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Đối với kinh tế Việt Nam, giới chuyên gia IMF duy trì dự báo mức tăng trưởng GDP 4,7% cho năm nay, nhưng bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025. Đó là do nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động của nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài trong năm nay, song nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch COVID-19 vẫn được duy trì.
Việt Nam tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%.
Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng
Ông Shanaka Peiris, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khu vực thuộc Vụ châu Á – Thái Bình Dương của IMF cho rằng có nhiều dấu hiệu về sự phục hồi của Việt Nam trong quý IV này, dù rất khó để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra. Việt Nam đang gặp khó về các lĩnh vực xuất khẩu hay bất động sản và ngành tài chính, nhưng đang có sự hồi phục. Khi những biện pháp cải cách được thực hiện, Việt Nam sẽ vượt qua được “những cơn gió ngược ngắn hạn’’ và sẽ duy trì được động lực tăng trưởng trong trung hạn, dựa trên sự hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị cũng như dòng vốn FDI.

Anh Minh, TTXVN nguồn: https://vietnamnet.vn/viet-nam-tiep-tuc-la-diem-sang-cua-kinh-te-toan-cau-2206467.html, https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-thuoc-top-20-nen-kinh-te-tang-truong-nhanh-nhat-nam-2024/904495.vnp, ngày 26, 27/10/2023 (TN & HG trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>