Lượng phát thải của Việt Nam có đóng góp chủ yếu từ ngành Năng lượng với hơn 63%, ngoài ra ngành Công nghiệp, bao gồm xây dựng, vật liệu xây dựng cũng chiếm tới gần 15%. Vì thế, nếu như có các giải pháp giảm phát thải ở cả 2 ngành chủ chốt này, như giảm phát thải ngay từ khâu sản xuất của các ngành công nghiệp và tạo ra những sản phẩm giúp tiết kiệm năng lượng, thì mức độ giảm phát thải các-bon sẽ tăng lên đáng kể.
Tại nhà máy hàng triệu viên gạch không phát thải được tạo ra mỗi ngày. Hầu như không thể nhìn thấy khói bốc lên từ những ống khói của nhà máy nhờ sử dụng một chất đốt đặc biệt. Đây là nhiên liệu đốt tạo nhiệt cho lò hơi là Biomas: phế phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp. Nguyên liệu này khi đốt gần như không phát thải khí nhà kính. Và ngay cả các phế phẩm của các ngành công nghiệp khác như thạch cao thì cũng được tận dụng triệt để, để làm nguyên liệu chính sản xuất bê tông khí chưng áp. Hỗn hợp từ thạch cao, cát, xi măng được Nghiền – Trộn – Đổ vào khuôn – Chưng áp. Tất cả tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín. Những viên gạch được tạo ra không thông qua quá trình nung mà được chưng áp ở 200 độ C. Quá trình này hoàn toàn không phát thải ra C02 hay SO2 như gạch đất nung thông thường.
Ông Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera cho biết “Chúng tôi chỉ dùng hơi nước để chưng áp, và quá trình tạo ra hơi nước tác nhân nhiệt của chúng tôi lại là dùng biomas. Thì đấy là quá trình tạo sản phẩm đã không phát thải rồi, và quá trình lắp dựng, xây dựng lại vừa nhanh vừa sạch, không tạo ra bụi và phế thải công nghiệp cũng giảm phát thải ra môi trường”. Sản phẩm tạo ra siêu nhẹ, chỉ từ 500 – 600kg/m3, có thể dễ dàng nổi được trên mặt nước, sẽ giúp cho chúng ta có thể tiết giảm được trọng lượng của công trình, từ đó tiết kiệm khoảng 12% chi phí kết cấu. Còn với các phần tường bao và vách ngăn, khả năng cách nhiệt của loại gạch bê tông này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng điện. Chúng ta có thể tiết kiệm được năng lượng điện từ khoảng 50 đến 70% so với thông thường.
Tái chế rác thành vật liệu xanh
Rác thải và chất thải nói chung cũng chiếm tới 5,6% lượng phát thải của chúng ta. Và nhà máy xử lý rác là một nơi đặc biệt. Vừa là nơi bằng mắt thường có thể chứng kiến những dấu chân các-bon con người xả thải ra, đo đếm được các dấu chân đó; ngoài ra, ở một góc độ nào đó là nơi xử lý xoá các dấu chân của mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Để xoá dấu chân các-bon cần rất nhiều mắt xích, mà nhà máy rác chính là một trong những mắt xích cuối cùng rất quan trọng.
Bà Đoàn Thị Thanh Thuỷ – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hoà Bình cho biết “Đây là địa điểm xử lý xóa những dấu chân các-bon của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình và của toàn xã hội. Để xóa dấu chân các-bon cần rất nhiều mắt xích mà nhà máy xử lý rác chính là một trong những mắt xích cuối cùng và rất quan trọng”. 1 vỏ chai nhựa vứt đi có thể tạo ra 1 sản phẩm mới. 1 cá nhân có thể làm 1 hành động xanh. Và 1 doanh nghiệp có thể xây dựng cả 1 quy trình xanh. Nhưng quan trọng hơn hết cả cộng động phải cùng hành động, bởi những dấu chân xanh chỉ đi được xa, khi có sự chung bước.
Xét cho cùng, cuộc chạy đua về 0, dù là chạy đua về tiền, về công nghệ, hay về cơ chế, nhưng trước nhất, đó vẫn là 1 cuộc chạy đua về nhận thức. Chỉ khi ấy, những bước đi đơn lẻ sẽ bớt phần nhọc nhằn, và cả nền kinh tế xanh mới thực sự tăng tốc.
VTV Digital, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/vat-lieu-xanh-gop-phan-giam-phat-thai-20240227231305141.htm, ngày 28/02/2024 (TN trích dẫn)