Chịu lỗ để giữ khách
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giá nguyên liệu gỗ trên thế giới đang tăng mạnh 20% – 30% so với năm ngoái. Ngay cả giá nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước cũng tăng. Việc này tạo thêm gánh nặng cho các DN trong nước sau thời gian dài chống chọi với dịch.
Ông Lê Văn Lương, Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, cho biết ông rất “đau đầu” vì DN sử dụng rất nhiều gỗ nhập khẩu nhưng hiện giá loại nào cũng tăng 15%– 25%. Một số chủng loại gỗ bị DN Trung Quốc gom hàng, đẩy giá lên rất cao khiến DN Việt Nam không mua nổi. Ngay cả gỗ thông nhập khẩu cũng đã tăng giá 5% – 7% so với đầu năm. Ngoài ra, các nguyên phụ liệu khác như: sơn, vải, nệm, mút cũng tăng giá, đứt hàng do nhà cung cấp bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo bà Lê Thị Bích Cảnh, Giám đốc Công ty Gỗ Mỹ Đức, một số loại gỗ xẻ nhập từ châu Âu cũng bắt đầu tăng giá nhưng vẫn chưa bằng giá nhập từ Mỹ. “Nếu như trước tháng 6/2021, giá gỗ óc chó chỉ 600– 700 USD/m3 thì nay đã lên đến 1.200– 1.300 USD/m3. Mặc dù giá gỗ cao nhưng nhu cầu nguyên liệu rất lớn nên lượng nhập khẩu vẫn tăng” – bà Cảnh nhận xét.
Chế biến gỗ tại Bình Dương. Ảnh: Ngọc Ánh
Giám đốc một công ty gỗ ở tỉnh Bình Dương cho hay khu vực này có nguồn gỗ cao su dồi dào nên không bị tác động lớn về giá nguyên liệu. “Nhưng đây là vùng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, DN tôi phải đóng cửa 2,5 tháng, mới mở lại vào đầu tháng 10 nên công suất chỉ đạt 50% – 70% so với trước dịch. Do đó, DN chỉ dám nhận đơn hàng xuất khẩu hạn chế để tránh bị đền hợp đồng vì giao chậm. Năm nay, hiệu quả của các đơn hàng rất thấp do chi phí sản xuất tăng cao, DN cũng không đạt các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra vào đầu năm” – Giám đốc công ty gỗ này lo ngại.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, TGĐ Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long, DN chế biến và xuất khẩu gỗ hiện nay không chỉ chịu áp lực về giá gỗ nguyên liệu tăng mà còn phải gánh thêm phần chi phí vận chuyển container cao ngất ngưởng. “Trước đây, một container đi châu Âu có phí vận chuyển khoảng 2.000 USD, nay tăng lên 12.000– 13.000 USD, thậm chí lên tới 20.000 USD nếu vận chuyển đến các bang miền Đông nước Mỹ” – ông Thanh dẫn chứng.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho hay dù giá nguyên liệu tăng, phí vận chuyển tăng nhưng DN rất khó đàm phán giả cả với những hợp đồng đã ký từ trước. DN gỗ phải chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng vì thời gian qua, do giãn cách xã hội, nhiều đơn hàng không thể giao đúng tiến độ nên khó có thể yêu cầu khách đồng ý giá mới.
Tại một hội thảo mới đây, ông John Chan, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ cứng Mỹ, lý giải do nhu cầu về nội thất ở Mỹ và châu Âu tăng, cộng với việc gián đoạn logistics cùng các phụ phí phát sinh vì COVID-19, chính là nguyên nhân khiến giá gỗ nguyên liệu leo thang. Chưa kể, giá nhân công và những khó khăn do COVID-19 cũng cản trở chuỗi cung ứng nguyên liệu.
Doanh nghiệp nên chủ động về nguyên liệu
Ông Oliver Richard, Giám đốc Công ty ANVS – DN chuyên xuất khẩu gỗ từ châu Âu sang Việt Nam và Đông Nam Á, nhìn nhận nhu cầu về gỗ sẽ ngày càng lớn hơn nên việc giá nguồn nguyên liệu này sẽ là thách thức trong thời gian tới. Do vậy, DN trong ngành cần tính toán gia tăng hiệu quả sử dụng để có thể tiết kiệm nguyên liệu gỗ; đồng thời nắm bắt các xu hướng kết hợp các nguyên liệu khác để bảo đảm giá thành tốt nhất.
Trong khi đó, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho rằng DN cần quan tâm hơn đến nguồn cung gỗ hợp pháp trong nước như cao su, tràm, keo… Sản lượng các loại gỗ này đáp ứng được trên 75% nhu cầu sản xuất của ngành nhưng đáng tiếc là DN chỉ dùng để sản xuất viên nén, dăm gỗ chứ chưa dùng nhiều vào sản xuất nội thất (có giá trị cao hơn). “Chủ động nguyên liệu là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Võ Quang Hà, TGĐ Công ty Tavico, dự đoán do nhu cầu gỗ nguyên liệu sẽ còn tăng nên giá có thể bị đẩy cao hơn nữa. Do vậy, các DN trong ngành cần có sự hợp tác mua chung để có được những đơn hàng lớn, ổn định về giá và đặc biệt là có thể tối ưu chi phí vận chuyển vốn – câu chuyện đau đầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cũng cho rằng DN trong ngành trước mắt đang cần một chiến lược nguyên liệu hiệu quả. Trong đó, bao gồm cả việc tính toán các giải pháp nguyên liệu thay thế, kết hợp nguyên liệu cũng như liên kết mua chung, tổ chức lại sản xuất. “Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên những thách thức về logistics rất khó thể thay đổi trong thời gian tới. Trong khó khăn chung, DN cần liên kết lại để có thể tạo nên các giá trị mới” – ông Khanh nhìn nhận.
Có thể nhập gỗ tròn về gia công
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng DN ngành gỗ cần phải tính toán tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất. Theo đó, thay vì nhập gỗ xẻ trực tiếp bằng container như trước đây, DN có thể chọn giải pháp nhập gỗ tròn bằng tàu rời để có giá thành tốt hơn, ít biến động. Thực tế, rất nhiều DN trong nước hoàn toàn có khả năng gia công khâu xẻ, sấy, cung cấp gỗ cho khối sản xuất nội thất. Theo ông Minh, việc tổ chức lại chuỗi cung ứng cũng sẽ giúp DN có khả năng thích nghi tốt hơn với những thay đổi lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang diễn ra rất mạnh mẽ trong bối cảnh COVID-19.