Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận số 61–KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13–CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của rừng, từ đó thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng, tạo động lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình tổ chức, hợp tác, liên kết, chia sẻ lợi ích trong sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn, huy động các nguồn lực hợp pháp phục vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
Ảnh minh họa
7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Chương trình đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các Bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện gồm: 1– Đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; 2– Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp; 3– Phát triển kinh tế lâm nghiệp; 4– Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và một số đề án trọng điểm; 5– Sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp; 6– Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; 7– Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về lâm nghiệp.
Xử lý triệt để tranh chấp về đất đai có nguồn gốc từ lâm trường
Trong đó, Chương trình tiếp tục phát triển mới, nhân rộng một số mô hình kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp kết hợp, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, vừa phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên của rừng đặc dụng. Phát triển các mô hình bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với nuôi trồng thuỷ sản.
Đồng thời, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp tại các địa phương, nhất là việc bàn giao, tiếp nhận các công ty lâm nghiệp từ các bộ, ngành cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.
Xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp về đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng (nhượng lại, cho thuê, cho mượn, khoán trắng) hoặc sử dụng không hiệu quả; xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm....
T.T, nguồn: https://baodautu.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-phat-trien-kinh-te-lam-nghiep-ben-vung-d210414.html, ngày 09/3/2024 (TN trích dẫn)