Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Năm 2024, doanh nghiệp Việt làm gì để tăng trưởng sản xuất, kinh doanh?

08/01/2024

Nhiều chuyên gia nhận định, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 sẽ tiếp tục có những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, các Hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thực hiện giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. 


Cơ hội và thách thức đan xen
Nhìn nhận về thị trường năm 2024, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ rõ 2 vấn đề. Thứ nhất, một số ngành xuất khẩu đã có tín hiệu tốt bởi hiện tại, một số ngành xuất khẩu tồn kho nước ngoài đã hết, song một số ngành vẫn khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thứ hai, một số nhà nhập khẩu đã chuyển qua thị trường khác tốt hơn Việt Nam. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến cáo, các doanh nghiệp cần điều chỉnh và cân nhắc kỹ cho chiến lược kinh doanh đó là thị trường nội địa đó là chờ đợi cú hích lớn về sức mua để những nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh lên.
Về xuất khẩu, đang ở mức 30 – 70, tức là 70% doanh nghiệp có chiến lược thay đổi và có đơn hàng nhiều. Đơn cử như xuất khẩu rau quả lập kỷ lục vì thay đổi chiến lược và đơn hàng nhiều. Hay ngành nhựa có nhiều tín hiệu khả quan do một số nước không chú trọng ngành này, trong khi Việt Nam vẫn duy trì phát triển. Năm 2024, Việt Nam có nhiều nguồn nguyên liệu nhựa do các doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) đầu tư nhiều, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để tái đầu tư sản xuất thay cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chỉ có một số ngành chúng ta bị chậm như hải sản, điện tử vẫn phụ thuộc FDI.
TS Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) khuyến nghị, các Hiệp hội cần tập trung vào những chương trình gắn kết để định hướng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững, phát triển gắn liền với những yêu cầu, thủ tục, quy định của các nước phát triển như: phát thải CO2, năng lượng tái tạo, những sản phẩm sử dụng yếu tố công nghệ cao và ít sử dụng lao động. Đặc biệt, đưa vào sử dụng những nhà máy thông minh và sản phẩm nội địa được nâng tầm chất lượng ngang với xuất khẩu. Đồng thời, có những truyền thông lớn về chương trình xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp phủ hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, hỗ trợ, tư vấn về chính sách tài chính để doanh nghiệp nắm bắt nhanh, thực hiện đúng, chuẩn bị nguồn lực cả về kinh tế và nhân lực.
Doanh nghiệp chủ động sản xuất, điều phối nguồn hàng
Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong bối cảnh hiện nay được xem là kết quả khả quan, giúp các doanh nghiệp hy vọng vào sự khởi sắc kinh doanh mạnh mẽ trong năm 2024. Thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng Tết. Mặc dù, thực tế tình hình khó khăn chung, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn yếu nhưng các doanh nghiệp đã sớm dự báo tình hình và chủ động sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân.
Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Lý Kim Chi nhận định: hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết hợp tác với nhiều khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các doanh nghiệp ngành lương thực – thực phẩm từng bước tận dụng và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ngày càng khởi sắc. Điều này cho thấy, các FTA thế hệ mới đã và đang mở ra một thị trường lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Không những thế, các hiệp định này đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt có những chuyển biến lớn về chất lượng, bởi đây là thị trường có yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt về chất lượng. “Những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan… ngay trên sân nhà. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, giữ vững thị trường nội địa cũng như thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu” – bà Lý Kim Chi lưu ý.
Ảnh minh họa
Căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng cho quý I năm 2024 và nhiều khả năng tình hình có thể cải thiện vào quý II năm 2024, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trần Như Tùng chia sẻ: trong năm 2024, để đạt mục tiêu đề ra, VITAS kiến nghị nhà nước triển khai sớm gói 120.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là các ngành nghề khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế, đổi mới công nghệ, kỹ năng xanh, kỹ năng chuyển đổi số.

Ánh Ngọc, nguồn: https://kinhtedothi.vn/nam-2024-doanh-nghiep-viet-lam-gi-de-tang-truong-san-xuat-kinh-doanh.html, ngày 04/01/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>