Các động lực tăng trưởng đang trên đà hồi phục
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình kinh tế – xã hội của đất nước ta vẫn duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê nêu rõ, kinh tế tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục quá trình phục hồi với dấu hiệu tích cực hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tăng cao hơn tháng 4/2024. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu chỉ số IIP phản ánh khu vực công nghiệp phục hồi tính cực hơn theo thời gian. Vốn đầu tư công thực hiện đạt kết quả tốt hơn về kế hoạch giải ngân so với cùng kỳ năm 2023, khi giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (22,2%).
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh
Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện trong 5 tháng ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua. Trong đó, 78,9% số vốn FDI thực hiện thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới. Song song đó, xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Đáng mừng là nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho sản xuất trong nước; cán cân thương mại tháng 5 nhập siêu 1 tỷ USD, tính chung 5 tháng xuất siêu 8,01 tỷ USD. Điều này cho thấy những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và nền kinh tế, trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới phục hồi chậm… Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nhấn mạnh, những chỉ số kinh tế tháng 5 và 5 tháng năm 2024 cho thấy bức tranh kinh tế rõ đà phục hồi, xu hướng tăng tiến là chủ đạo.
Cần sự chung sức, đồng lòng từ doanh nghiệp, nhân dân
Dù nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, song không thể phủ nhận vẫn có một số kết quả chưa được như kỳ vọng. Sản xuất công nghiệp tại một số địa phương trọng điểm tăng chậm. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do nắng nóng, thiếu nước. Khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp còn hạn chế. Chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 19,8 nghìn doanh nghiệp tham gia thị trường thì cũng có tới 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đối với nền kinh tế, số doanh nghiệp gần như không thay đổi nhưng năng lực sản xuất kinh doanh đã suy giảm…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, niềm tin của thị trường hay tâm lý của người dân có lúc có nơi còn thận trọng trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định, rủi ro. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức cũng là yếu tố làm cản trở phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, quá trình phục hồi nhanh và bền vững hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước; chuẩn bị các điều kiện tốt để thu hút các làn sóng chuyển dịch FDI. Các địa phương phải thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời, giám sát hỗ trợ, tháo gỡ ách tắc về thủ tục cho doanh nghiệp vốn hiện nay rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, thực hiện các chương trình khuyến mại; chương trình ưu đãi tín dụng cho tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm và bình ổn giá cước vận tải. Ban hành và thực hiện giải pháp hiệu quả tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, có giải pháp để không còn bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân chậm vốn đầu tư công. Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Chính phủ và các địa phương cần có giải pháp đảm bảo đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia,…
Khánh Linh, nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-viet-nam-lay-lai-nhip-do-tang-truong-cao-153252-153252.html, ngay 21/6/2024 (TN trích dẫn)