Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Không để doanh nghiệp đói vốn!

08/05/2023

Liên tiếp các gói tín dụng quy mô từ hàng chục đến hàng trăm ngàn tỷ đồng được triển khai với lãi suất ưu đãi. Nguồn oxy tín dụng đã sẵn sàng nhưng vì sao vẫn chưa thể hồi sinh doanh nghiệp?


 

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc.

 Ảnh: Trần Việt – TTXVN
Hơn 60.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, tức mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp đóng cửa, gần gấp đôi con số 11.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng như năm trước. Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang phản ánh phần nào tình hình hoạt động kinh doanh không mấy lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, kể từ đầu năm đến nay, liên tiếp các gói tín dụng quy mô từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng được các ngân hàng triển khai với lãi suất ưu đãi. Nguồn oxy tín dụng đã sẵn sàng nhưng vì sao vẫn chưa thể hồi sinh doanh nghiệp? Đây là một trong những lý do mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có hàng loạt chỉ đạo, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan quản lý đặc biệt ưu tiên cấp vốn tín dụng, hỗ trợ thanh khoản, giảm lãi suất; mở rộng cho vay tiêu dùng; bổ sung đối tượng, thời gian cơ cấu nợ; xem xét cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục được mua trái phiếu doanh nghiệp...
Tín dụng sẵn sàng
Ngay trong quý đầu năm, sau loạt chỉ đạo về phấn đấu giảm lãi suất đi kèm động thái hạ một số loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 7%/năm. Trong đó có thể kể tới gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh “thuộc lĩnh vực xanh” và các lĩnh vực sản xuất khác, lãi suất từ 7%/năm tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); gói 100.000 tỷ đồng lãi suất từ 7,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); gói 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1–1,5%/năm so với mức lãi suất hiện hành tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)...
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết dự kiến trong thời gian tới, sẽ xem xét tiếp tục triển khai chương trình giảm lãi suất mà ngân hàng đã thực hiện từ ngày 01/01 – 30/4/2023. Đối với cho vay mới, ngân hàng đã giảm lãi suất đến 2% so với mặt bằng cho vay thông thường kể từ đầu năm. Trước đó, trong năm 2022, Vietcombank đã duy trì mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp nhất thị trường, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng đến 19%. Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng đã giảm đồng loạt 1% lãi suất trong 2 tháng cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, Vietcombank tiếp tục giảm đồng loạt 0,5% lãi suất cho khách hàng hiện hữu, quy mô dư nợ được giảm chiếm trên 50% tổng dư nợ hiện hữu của ngân hàng. Đối với chương trình giảm lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ–CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT–NHNN của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh số dư nợ giải ngân và đã được giảm lãi suất tại Vietcombank lên đến 10.000 tỷ đồng.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hương chia sẻ: “So với cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất tại OCB đã giảm khoảng 1%/năm. Dự kiến trong quý II, OCB sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động huy động vốn giá thấp để tạo nguồn cho vay dân cư và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất cân đối để vừa thu hút được nguồn vốn đầu vào giá rẻ vừa đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Trong quý I, tuy tốc độ cho vay chậm lại nhưng OCB vẫn tăng trưởng dương với phân khúc cho vay khách hàng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc hạ lãi suất, OCB còn đơn giản hóa quy trình xét duyệt, đẩy nhanh thời gian xử lý hồ sơ khách hàng vay và kết hợp truyền thông rộng rãi để khách hàng có nhu cầu vay thật mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn’’.
Cũng định hướng tín dụng vào sản xuất, ông Trần Văn Tần, Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết trong các quý tiếp theo VietinBank sẽ tập trung giải ngân cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa dịch vụ, lĩnh vực ưu tiên... đồng thời kiểm soát cấp tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tuy dòng vốn sẵn sàng là vậy nhưng việc vay vốn của doanh nghiệp vẫn không mấy dễ dàng.
Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đối với doanh nghiệp lãi suất thời điểm này chỉ cần giảm 1% cũng quý như 5% của thời kỳ thịnh vượng, giúp giảm chi phí hoạt động, sản xuất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên các chương trình giảm lãi suất phần lớn chỉ giảm cho khoản vay mới mà chưa áp dụng cho các khoản vay hiện tại và trong quá khứ, đây mới thật sự là những áp lực tài chính đối với doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, nhận định tín dụng là đòn bẩy rất quan trọng trong tăng trưởng, ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng, cần thúc đẩy tăng trưởng vào các nhóm ngành có khả năng hấp thụ vốn và có thể vực dậy thật sự như sản xuất – chế biến – chế tạo, nông nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ, du lịch...
Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, sức khỏe doanh nghiệp đã bị bào mòn sau dịch COVID-19, nhiều khoản vay bị chuyển thành nợ xấu, tài sản đảm bảo cũng không còn nên dù lãi suất giảm cũng không thể vay được vốn. Chưa dừng ở đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dù sang năm 2023, tình trạng thiếu đơn hàng đã giảm, hoạt động đang trên đà phục hồi nhưng cũng khá thận trọng khi vay vốn vì cơ hội mở rộng kinh doanh vẫn chưa rõ ràng.
Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới. Trước đó, Thủ tướng đã có cuộc gặp mặt trực tiếp cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nhằm lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng cũng họp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay hai thông tư quan trọng về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Song song với những chỉ đạo, Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, ngày 24/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 02/2023/TT–NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và Thông tư số 03/2023/TT–NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT–NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Những động thái này được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy tình hình sản xuất, kinh doanh. Cùng với khơi thông nguồn vốn, tại cuộc gặp với Thủ tướng, các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ xử lý và giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; xem xét điều chỉnh một số loại phí, thuế; trong đó có cân nhắc trong áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; cải cách quy định về đấu thầu; phòng cháy, chữa cháy…
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đề xuất cần có thêm các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, các hiệp hội ngành nghề cùng chính quyền địa phương nắm lại tình hình tiêu thụ và đẩy mạnh “người Việt dùng hàng Việt’’. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, các thương vụ cũng tìm hiểu lại nhu cầu thị trường và các tiêu chuẩn xuất khẩu, đa dạng hơn nữa thị trường xuất khẩu quốc tế... “Trong bối cảnh này, cần sự kết hợp nhiều giải pháp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển, dẫn dòng oxy tín dụng đến đúng đích một cách hiệu quả’’, vị chuyên gia chia sẻ.
Lê Phương, nguồn: https://bnews.vn/khong-de-doanh-nghiep-doi-von/289742.html, ngày 01/5/2023 (TN trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>